Kinh nghiệm trong việc giúp Thường trực HĐND tỉnh xem xét, xử lý các nhiệm vụ phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND

Thứ hai - 18/09/2023 21:14
Thời gian qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tích cực tham mưu, giúp Thường trực HĐND tỉnh thẩm tra các nội dung do UBND tỉnh trình giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh. Hàng năm, Ban đã tham mưu, giúp Thường trực HĐND tỉnh thẩm tra các đề xuất của UBND tỉnh gửi đến Thường trực HĐND tỉnh.
ảnh minh họa
ảnh minh họa
Các nội dung UBND tỉnh xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực như: phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm, sử dụng dự phòng ngân sách, bổ sung kinh phí cho các cơ quan, đơn vị; điều chỉnh, bổ sung vốn đầu tư công. Các nội dung UBND tỉnh xin ý kiến được Ban thẩm tra đã giúp Thường trực HĐND xử lý kịp thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh.

Ở bài viết này, xin trao đổi về căn cứ pháp lý để Thường trực HĐND tỉnh xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, như sau:
Theo quy định tại khoản 3, Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về quyền hạn của Thường trực HĐND lại chưa quy định thẩm quyền cho ý kiến giải quyết những vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp. Nhiệm kỳ trước đây, Nghị quyết 753/2015/NQ-UBTVQH11 có quy định Thường trực HĐND phối hợp với UBND giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện Nghị quyết của HĐND trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND; xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung những biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghị quyết của HĐND theo đề nghị của UBND, Ban của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất (khoản 4, Điều 21).

Hiện nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa ban hành Quy chế hoạt động của HĐND mà mới ban hành Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 hướng dẫn một số hoạt động của HĐND, trong đó có quy định đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa hai kỳ họp thường lệ của HĐND thì tổ chức kỳ họp bất thường của HĐND để xem xét, quyết định.
Ngày 22/11/2019, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, trong đó có sửa đổi, bổ sung khoản 3, điều 6 như sau: Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định của của luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND.

Với quy định này, việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp khá lúng túng và có nhiều ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Thường trực HĐND chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong trường hợp phát sinh thì tổ chức kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Khoản 3, Điều 6 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật này và các quy định của luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND;

Tuy nhiên, ngày 9/8/2022, Ủy ban thường vụ Quốc hội có Công văn số 288/UBTVQH15-CTĐB có hướng dẫn về thẩm quyền của Thường trưc HĐND: căn cứ vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định tại Điều 104 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực HĐND còn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong các luật khác, chẳng hạn như: Luật Ngân sách Nhà nước và Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Từ các quy định của pháp luật, cho thấy việc Thường trực HĐND xử lý vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp là có cơ sở, đúng thẩm quyền, tuy nhiên chỉ ở một số lĩnh vực luật cho phép: điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách cho các địa phương, đơn vị; phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi,….Qua thực tiễn cho thấy, để nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban trong công tác chuẩn bị cho hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, trong đó có nhiệm vụ tham mưu, giúp Thường trực HĐND xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, Ban Kinh tế - Ngân sách xin trao đổi một số kinh nghiệm như sau:

* Về quy trình thực hiện
Các nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp thuộc thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND phải được UBND trình xin ý kiến bằng văn bản và giao cho các ban của HĐND thẩm tra
Căn cứ vào các nội dung trình của UBND tỉnh và sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban tổ chức họp thẩm tra. Sau thẩm tra, Ban xây dựng báo cáo thẩm tra trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét. Đối với từng nội dung, Ban sẽ đề xuất, tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn hình thức thông qua cho phù hợp: đối với những nội dung cần gấp về thời gian thì Thường trực HĐND tỉnh sẽ thông qua tại Hội nghị giao ban tuần hoặc gửi phiếu xin ý kiến các thành viên Thường trực HĐND; những nội dung không gấp thì Thường trực HĐND tỉnh sẽ thông qua tại phiên họp hằng tháng.

* Đảm bảo chất lượng trong công tác thẩm tra
Đối với những nội dung phức tạp, Ban sẽ tổ chức khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến của địa phương và các đối tượng có liên quan để nắm bắt đầy đủ thông tin trước khi thẩm tra (các nội dung liên quan đến phân bổ vốn đầu tư công nên khảo sát thực tế tiến độ công trình)
Yêu cầu UBND tỉnh cung cấp đầy đủ các tài liệu có liên quan, nội dung Tờ trình phải đầy đủ căn cứ và cụ thể, rõ ràng.
Hiện nay, Thường trực HĐND tỉnh đã xây dựng quy trình xem xét, xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; do đó đề nghị Thường trực HĐND huyện nghiên cứu xây dựng quy trình hoặc quy chế phối hợp với UBND nhằm xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, trong đó quy định cụ thể về thời gian gửi hồ sơ, danh mục tài liệu trong hồ sơ xin ý kiến,…để Thường trực HĐND, các ban HĐND có đủ thời gian, thông tin cần thiết để nghiên cứu, xem xét hoặc tổ chức khảo sát, thẩm tra trước khi có văn bản trả lời.

* Xử lý tình huống trong quy trình thẩm tra
Ngay khi nhận được văn bản của UBND tỉnh, trong khi chờ Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến giao nhiệm vụ; Ban đã chủ động chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh sưu tầm tài liệu và in gửi các thành viên Ban nghiên cứu trước.
Đối với các nội dung UBND tỉnh gửi gấp cần xử lý ngay, để kịp thời thẩm tra Ban sử dụng Công văn hỏa tốc hoặc điện thoại trực tiếp mời các thành viên ban và các ngành liên quan dự họp thẩm tra.
Việc phối hợp thường xuyên, kịp thời giữa Thường trực, các Ban HĐND với UBND tỉnh trong giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp thời gian qua, đã giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được kịp thời, góp phần thực hiện tốt nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các chủ trương của Trung ương, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển./.

Tác giả: Vũ Tấn Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay5,096
  • Tháng hiện tại9,884
  • Tổng lượt truy cập8,677,419
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây