Theo đó, tại tiết a Khoản 2 Điều 2 trong dự thảo nghị quyết quy định là HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, đây là quy định đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ về nguyên tắc, chức danh Phó Trưởng ban HĐND đều do HĐND bầu nhưng tại sao lại không quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với đối tượng này. Do vậy dự thảo nghị quyết nên bổ sung đưa đối tượng Phó Trưởng ban HĐND để lấy phiếu tín nhiệm, làm căn cứ đánh giá cán bộ.
Tại Khoản 1 Điều 10 dự thảo nghị quyết quy định quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội chậm nhất 45 ngày trước ngày dự kiến khai mạc kỳ họp Quốc hội, căn cứ vào đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm quy định trong nghị quyết này Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, quy định này là chưa hợp lý, bởi nếu căn cứ vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm theo nghị quyết mà UBTVQH lại xem xét quyết định danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm thì sẽ được hiểu là “dù đã thuộc đối tượng lấy phiếu tín nhiệm nhưng vẫn phải được UBTVQH xem xét quyết định mới đưa vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm”.
Vì vậy, tại Điều 5 nên bổ sung thêm một nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là “tổ chức lấy phiếu tín nhiệm bỏ phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người thuộc đối tượng theo đúng quy định trừ trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 2. Có nghĩa là, chỉ không lấy phiếu tín nhiệm đối với 3 trường hợp: đã thông báo nghỉ chế độ; mới được bổ nhiệm; ốm đau, bệnh hiểm nghèo”. Do đó tại Khoản 1 Điều 10 nên sửa lại là UBTVQH căn cứ vào các đối tượng như vậy để thông qua danh sách chứ không phải là quyết định nữa.
Tại Khoản 2, Điều 12 quy định “người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất. Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 Điều 2 nghị quyết này thì thực hiện việc miễn nhiệm đối với tất cả chức vụ đó”. Đề nghị bổ sung thêm ý “miễn nhiệm một lần” đối với tất cả chức vụ để tiết kiệm thời gian, rút gọn lại thủ tục hành chính.