Để thực hiện tốt vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, một trong những hoạt động được Hội đồng nhân dân chú trọng, đó là giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Vấn đề này đã được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và cụ thể hóa trong rất nhiều nội dung khác có liên quan. Hoạt động giám sát nói chung và giám sát giải quyết kiến nghị cử tri nói riêng là một trong những nội dung quan trọng, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đơn vị thành phố Cao Bằng đặc biệt quan tâm thực hiện. Hoạt động theo dõi, giám sát giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Thực hiện Chương trình giám sát năm 2023, HĐND tỉnh đã giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh triển khai thực hiện giám sát thường xuyên các lĩnh vực về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tài chính ngân sách; giám sát các lĩnh vực văn hóa - xã hội… Xác định vai trò, ý nghĩa của công tác giải quyết kiến nghị của cử tri nên công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri luôn được Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị thành phố đặc biệt quan tâm. Trong năm qua, Tổ đại biểu đã tích cực thực hiện nhiều cuộc giám sát đối với việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Qua các cuộc giám sát cho thấy, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri. Trong đó, các kiến nghị lên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được giải quyết; việc quản lý, sử dụng đất đai công sở, tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập; các cơ quan đơn vị, sự nghiệp công lập sau sắp xếp đều tuân thủ theo các quy định của pháp luật; các kiến nghị liên quan đến thực hiện chế độ chính sách đều được giải quyết hoàn thành. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan chức năng giải quyết thấu đáo, thể hiện đầy đủ trách nhiệm với cử tri và nhân dân, tạo được lòng tin của cử tri đã gửi gắm đến các cấp chính quyền thông qua đại biểu HĐND.
Bên cạnh việc giám sát, khảo sát chuyên đề về tình hình giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND, thực hiện chỉ đạo của HĐND tỉnh, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổ đại biểu dân cử, năm 2023, các thành viên Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị thành phố tham dự đầy đủ và đúng quy định các buổi tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thường kỳ HĐND tỉnh. Trước mỗi cuộc tiếp xúc, Tổ đại biểu đều tiến hành họp để phân công và thống nhất về thời gian, địa điểm tiếp xúc. Qua hoạt động tiếp xúc cử tri ở 2 kỳ họp (thứ 14 và thứ 17 HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026), các đại biểu đã lắng nghe, ghi nhận, rà soát giải quyết 153 ý kiến kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết các cấp liên quan ở nhiều lĩnh vực. Các đại biểu thuộc Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Thành phố cơ bản thực hiện tốt các nội dung mà đại biểu đã hứa trước cử tri với cương vị là đại biểu HĐND gắn với chức trách, nhiệm vụ chính trị được giao.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác giám sát, khảo sát đánh giá việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã được chú trọng nhưng chưa thường xuyên, một số kiến nghị cử tri trả lời còn chung chung; nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri giải quyết còn chậm, chưa dứt điểm, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân nên cử tri tiếp tục kiến nghị nhiều lần…
Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đơn vị thành phố thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, Đối với công tác giám sát việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, cần xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của Tổ đại biểu; phải đưa vào chương trình, kế hoạch giám sát hàng năm. Tùy theo tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn hình thức giám sát phù hợp theo quy định, hướng dẫn.
Thứ hai, Nội dung giám sát tập trung nhận xét, đánh giá, kiến nghị về
công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân thuộc thẩm quyền của địa phương; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân theo quy định của pháp luật (thời gian ban hành văn bản chỉ đạo giải quyết của chính quyền; thời gian ban hành các văn bản trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của ngành chức năng; trách nhiệm trong việc thực hiện những nội dung đã hứa thực hiện đối với cử tri và nhân dân).
Thứ ba, Thời gian thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân (đúng thời gian hay chậm trễ, kéo dài thời gian giải quyết nhưng không giải trình rõ lý do). Số lượng ý kiến, kiến nghị cử tri đã được giải quyết, trả lời; chưa được giải quyết, trả lời; trả lời không đảm bảo thời gian theo chỉ đạo của UBND cùng cấp...
Thứ Tư, Nội dung giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri đã thỏa đáng hay chưa như: Việc giải quyết, trả lời đã đúng quy định chưa? Nội dung trả lời đã đúng trọng tâm ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa? Việc xác định thời gian, phương án, biện pháp, hướng giải quyết các vấn đề cử tri kiến nghị đã phù hợp chưa? Nội dung nào đã được chính quyền chỉ đạo giải quyết, trả lời nhưng chưa được ngành chức năng giải quyết, trả lời hoặc giải quyết, trả lời chung chung; giải quyết, trả lời theo hướng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Các nội dung giải quyết, trả lời của ngành chức năng, cử tri có đồng tình không? Nếu cử tri không đồng tình, lý do tại sao?... Đồng thời, theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh sau giám sát./.