Thân thiện, gần gũi
Để có một buổi TXCT thành công, trước hết cần chuẩn bị tốt điều kiện cơ sở vật chất. Dù TXCT ở đâu cũng cần đủ chỗ cho cử tri. Cách kê bàn ghế cũng có ý nghĩa trong việc đón nhận thái độ của cử tri. Nếu vị trí của đại biểu được bố trí trên cao, quá sâu trên sân khấu sẽ tạo ra khoảng cách không đáng có giữa cử tri với đại biểu. Cử tri sẽ thấy mình thật nhỏ bé, sẽ e ngại, nói không hết, hoặc không dám nói thật những điều mình nghĩ, mình biết. Cách tốt nhất là vị trí của đại biểu ngang bằng với vị trí của cử tri, trên cùng một mặt phẳng, đối diện, gần với cử tri. Như vậy sẽ tạo được không khí thân thiện, cởi mở khi cùng cử tri trao đổi những vấn đề cả hai bên quan tâm. Cử tri sẽ cảm thấy gần gũi và sẵn sàng chia sẻ với đại biểu những suy nghĩ của họ.
Việc có đại diện lãnh đạo ngành hữu quan hoặc chính quyền địa phương tham gia để giải trình, làm rõ hoặc trực tiếp tiếp thu ý kiến cử tri là cần thiết, tạo ra sự phấn khởi, tin tưởng của cử tri. Đặc biệt, đại biểu phải tạo được sự thân thiện, gần gũi, thực sự trách nhiệm với cử tri.
Chủ động gặp gỡ
Cử tri rất mong muốn được gặp gỡ trực tiếp người đại diện của mình để kiến nghị, đề xuất tâm tư, nguyện vọng. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều cử tri rất ngại nói trên hội nghị, họ chỉ có thể nói riêng với đại biểu những vấn đề mình quan tâm. Vì vậy, khi đại biểu đến trước thời gian quy định, chủ động gặp gỡ và trò chuyện với cử tri với thái độ cởi mở sẽ tạo nên sự tin cậy cho cử tri, đại biểu sẽ nghe được nhiều hơn, hiểu được rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của cử tri và thực tế cuộc sống.
Việc đại biểu đến trước thời gian quy định vừa thể hiện trách nhiệm, sự tôn trọng đối với cử tri, vừa gây được ấn tượng đẹp và thiết lập được mối quan hệ tốt với cử tri.
Tạo thiện cảm
Khi TXCT, đại biểu cần chú ý đến trang phục của mình. Không cần quá trang trọng như đi dự đại hội (cử tri sẽ cảm thấy khó gần), nhưng cũng không được xuềnh xoàng (cử tri sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng). Đặc biệt với đại biểu là nữ càng cần chú ý đến trang phục. TXCT nơi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, lại ăn mặc chải chuốt sẽ trở nên lạc lõng. Trang phục phù hợp với đối tượng và điều kiện thực tế mà đại biểu tiếp xúc cũng tạo được mối thiện cảm, làm đại biểu gần hơn với cử tri.
Lắng nghe với thái độ cầu thị
Có thể nói, tư thế, tác phong, điệu bộ, cử chỉ, lời nói của đại biểu có vai trò rất quan trọng trong buổi TXCT. Lời nói rõ ràng, âm lượng vừa phải, ánh mắt thân thiện, nét mặt cởi mở, cử chỉ khiêm tốn, thái độ trân trọng lắng nghe cử tri nói, ghi chép đầy đủ ý kiến, kiến nghị... là những vấn đề cần được đại biểu lưu tâm. Trong quá trình TXCT, có thể đại biểu sẽ được nghe những lời phát biểu rất nóng, rất đao to búa lớn, rất chướng tai của cử tri, nhưng cần lắng nghe với thái độ cầu thị, lắng nghe cho hết. Những gì chưa rõ, có thể hỏi lại cử tri với thái độ chân thành. Không nên nôn nóng ngắt lời cử tri. Những vấn đề gì nắm chắc, hiểu sâu, thật chính xác có thể trả lời ngay cho cử tri rõ, những gì chưa chắc chắn có thể khất cử tri để tiếp tục xem xét và trả lời sau. Không nên vội vã trả lời khi thiếu thông tin hoặc khi thông tin chưa chính xác. Thái độ cầu thị, chân thành của đại biểu sẽ làm cho cử tri hài lòng.
Tạo dựng lòng tin của cử tri
Khi đại biểu dân cử đã hứa giải quyết những vấn đề cử tri nêu cần phải thực hiện nghiêm túc. Cần gửi ý kiến cử tri đến đúng địa chỉ, đúng người cần gửi. Đặc biệt, đại biểu cần tích cực đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết ý kiến, kiến nghị, cùng với chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn xem xét những đề xuất của cử tri để có giải pháp hợp lý. Kết quả giải quyết cần được thông báo kịp thời đến cử tri. Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri kịp thời sẽ tạo được lòng tin của cử tri với đại biểu. Đây là yếu tố quan trọng quyết định thành công của cuộc TXCT, đồng thời tạo dựng tiền đề để những lần tiếp xúc sau đạt kết quả tốt hơn.
Các đại biểu dân cử phải phát huy trách nhiệm của mình để giải quyết tốt những vấn đề cử tri đã có ý kiến, nhất là các vấn đề nổi cộm liên quan đến đất đai cử tri đã phản ánh nhiều lần. Sau mỗi lần TXCT, các tổ đại biểu phải tổng hợp lại những vấn đề chính để yêu cầu cơ quan liên quan giải quyết. Khi giải quyết xong, yêu cầu phải có văn bản trả lời và báo cáo cho các tổ đại biểu dân cử ứng cử tại địa bàn biết để thông báo cho cử tri trong lần tiếp xúc tới. Trước khi TXCT, các tổ đại biểu phải nắm lại tình hình những việc đã giải quyết rồi hoặc chưa giải quyết, lý do để báo cáo lại cho cử tri biết tại buổi TXCT. Tốt nhất trước kỳ họp TXCT ở địa bàn nào thì sau kỳ họp cũng sẽ tiếp xúc trở lại đó. Đại biểu HĐND cần ghi chép những kiến nghị của lần tiếp xúc trước và thông báo cho nhân dân biết kết quả giải quyết trong cuộc tiếp xúc sau. Những kiến nghị nào chưa giải quyết được cũng cần thông báo để nhân dân biết. Làm như vậy là biểu thị sự tôn trọng cử tri, làm cho cử tri muốn đến với đại biểu hơn.