CÁI KHÓ TRONG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KỲ HỌP HĐND TỈNH

Thứ hai - 17/06/2024 07:37
Để từng bước nâng cao chất lượng Kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới, cải tiến khác nhau. Tuy nhiên, có những vấn đề mang tính chất quyết định lại chưa thể thay đổi được nhiều.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra các nghị quyết trình kỳ họp (ảnh minh họa)
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra các nghị quyết trình kỳ họp (ảnh minh họa)
Chấp nhận thực hiện... không đúng quy định!

Theo quy định tại Điều 78, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định HĐND tổ chức Kỳ họp (thường lệ) mỗi năm 02 lần. Hiện nay, HĐND tỉnh cũng như HĐND các địa phương đang chuẩn bị tổ chức Kỳ họp (thường lệ) giữa năm 2024.  Một hạn chế được nhắc lại nhiều nhất và chưa bao giờ được cải thiện luôn được đưa ra trong hầu hết các cuộc họp rút kinh nghiệm chuẩn bị, tổ chức Kỳ họp của HĐND, đó là việc UBND gửi tài liệu đến Thường trực HĐND, các Ban của HĐND chưa đảm thời gian theo quy định. Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có quy định: chậm nhất là 15 ngày (đối với HĐND cấp tỉnh), dự thảo nghị quyết, báo cáo trình HĐND phải được gửi đến Thường trực HĐND, các Ban của HĐND; Chậm nhất là 5 ngày trước khai mạc Kỳ họp, Thường trực HĐND gửi đến đại biểu HĐND dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình HĐND, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND và các tài liệu liên quan khác. Nếu thực hiện đúng theo quy định về thời gian như vậy, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND có thời gian để nghiên cứu, xem xét, nhất là các Ban của HĐND có thời gian để tiến hành các hoạt động khảo sát, nắm tình hình, phân công cho các thành viên Ban nghiên cứu phục vụ hoạt động thẩm tra, để từ đó cung cấp thông tin giúp cho HĐND tỉnh đưa ra những quyết định đúng, phù hợp.

Tuy nhiên, trên thực tế việc chuyển tài liệu vẫn mắc phải “căn bệnh kinh niên”... chậm! Việc thực hiện chậm thời gian không phải một vài ngày mà thậm chí hàng chục ngày. Không ít Kỳ họp các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án được UBND chuyển đến các Ban của HĐND trước ngày khai mạc Kỳ họp không đảm bảo thời gian để thẩm tra và hoàn thiện báo cáo thẩm tra để gửi đến đại biểu HĐND tỉnh theo quy định. Sau khi nhận được tài liệu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, các Ban tiến hành thẩm tra nhưng vì thời gian quá ngắn nên ảnh hưởng nhiều đến việc nghiên cứu tài liệu của các thành viên Ban dẫn đến việc tham gia sâu vào các nội dung của văn bản Kỳ họp còn hạn chế, do đó chất lượng văn bản trình Kỳ họp chưa cao, một số Nghị quyết ban hành chưa phù hợp với tình hình thực tế, chưa đi vào cuộc sống của người dân.

Để khắc phục tình trạng này, Thường trực HĐND tỉnh đã giao cho các Ban của HĐND tỉnh cùng với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh bám nắm cơ quan soạn thảo ngay từ đầu, thường xuyên đôn đốc các cơ quan soạn thảo khẩn trương hoàn thành và chuyển đến Thường trực, các Ban của HĐND tài liệu theo thời hạn quy định, tại các Phiên họp thường kỳ, Thường trực HĐND cũng đã đưa ra giải pháp: Đề án, tờ trình dự thảo Nghị quyết nào chưa đảm bảo về nội dung, thì cho cơ quan soạn thảo chuẩn bị tiếp và trình vào Kỳ họp HĐND gần nhất. Tuy nhiên, việc chưa thông qua dự thảo nghị quyết báo cáo, đề án chuyển chậm, gặp phải khó khăn, đó là: Những nội dung do cơ quan soạn thảo trình (chủ yếu là của UBND) hầu hết nằm trong chương trình hoạt động, chương trình ban hành Nghị quyết do HĐND đã thông qua, vì thế nếu “gác” lại không thông qua các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án chuyển chậm thì chính HĐND không hoàn thành được chương trình hoạt động đã đề ra nên bắt buộc HĐND phải chấp nhận những vi phạm về thời hạn. Mặt khác, ngoài những nguyên nhân chủ quan như: triển khai, thực hiện chậm, chất lượng thấp phải chỉnh sửa nhiều lần..., thì việc chuyển tài liệu không đúng thời gian còn những lý do khách quan, trong đó có việc cấp ủy cùng cấp bố trí thời gian xem xét, cho chủ trương về những vấn đề HĐND xem xét thông qua gần với ngày khai mạc Kỳ họp, nhất là ở kỳ họp (thường lệ) cuối năm. Một vấn đề khác đó là HĐND và UBND đều vì mong muốn chung, đó là cụ thể hóa các chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Vì vậy, việc thông qua các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án chuyển không đúng thời gian thường được HĐND dễ dàng chấp nhận.

Khó có thể thay đổi mục tiêu, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội

Trong việc thực hiện chức năng quyết định của HĐND tại Kỳ họp có một thực trạng đó là các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội do UBND trình rất ít sự thay đổi. Mặc dù tại các phiên thảo luận và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND đã có nhiều ý kiến không thống nhất đối với việc phấn đấu thực hiện các mục tiêu, giải pháp của UBND, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là “nhất trí thông qua” như các đề án, tờ trình dự thảo nghị quyết do UBND trình. Đây là “tính hình thức” của Kỳ họp HĐND, lý do chính đó là: những vấn đề do UBND trước khi trình HĐND đã được thông qua cấp ủy và được sự nhất trí của cấp ủy.

 Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, cũng như phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết của cấp ủy, hầu hết các nội dung quan trọng trước khi trình HĐND, đều được thông qua cấp ủy. Nếu như xác định nghị quyết của cấp ủy chỉ mang tính định hướng về chủ trương, còn quyết định cụ thể là do HĐND thì những mục tiêu, giải pháp có thể thay đổi. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình tổ chức Kỳ họp, đối với những vấn đề đã được cấp ủy thông qua thì HĐND khó có thể thay đổi được! Chính vì vậy mà có Kỳ họp HĐND, sau khi xem xét, đại biểu HĐND cho rằng một số chỉ tiêu như: Tốc độ tăng trưởng (GRDP), giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thu ngân sách, phát triển nông nghiệp, Cải cách hành chính v.v... nhiều năm không thể thực hiện được so với mục tiêu đề ra. Nhưng khi kết luận sau các phiên thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết, Kỳ họp đều thống nhất: Các mục tiêu đó phải bằng hoặc có thể cao hơn, chứ không thể thấp hơn mục tiêu cấp ủy đã xác định! Cũng vì lẽ đó mà dẫn đến tình trạng Nghị quyết của HĐND là “bản sao” của nghị quyết cấp ủy.

Việc nâng cao chất lượng Kỳ họp HĐND tỉnh là một việc đã làm và đang được HĐND tỉnh trăn trở, tìm tòi, tiếp tục đổi mới. Tuy nhiên điều mấu chốt đó là phải tháo gỡ khó khăn về cơ chế và chế tài để thực hiện. Có như vậy, HĐND mới thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước, quyết định các vấn đề quan trọng tại địa phương.

Tác giả: Tuyết Nhung ( Phòng Dân nguyện - Thông tin)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc


chuyen muc

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay5,363
  • Tháng hiện tại153,545
  • Tổng lượt truy cập7,248,389
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: hdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn hdnd.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây