Phân biệt hoạt động chất vấn và hoạt động giải trình tại Phiên họp của Thường trực HĐND

Thứ hai - 23/10/2023 09:52
Chất vấn và giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND là hai trong các hoạt động giám sát của Thường trực HĐND được quy định tại mục 2 Chương III Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Tuy nhiên, hai hình thức giám sát này chưa được tiến hành thường xuyên, chưa mang tính phổ biến, có nơi còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, thậm chí lẫn lộn giữa phiên chất vấn và trả lời chất vấn với phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh. Dưới đây là một số thông tin cơ bản phân biệt giữa hoạt động chất vấn và hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Các đại biểu dự phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh tháng 5 năm 2023
Các đại biểu dự phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh tháng 5 năm 2023
Về căn cứ pháp lý
Chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND được quy định tại khoản 7 Điều 2, Điều 69 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; hướng dẫn tại Điều 11, Điều 12 Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.
Giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND được quy định tại khoản 8, Điều 2, Điều 72 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; hướng dẫn tại Điều 13 Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15.
Khái niệm về chất vấn và giải trình được giải thích tại khoản 7, khoản 8 Điều 2 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tỉnh.
Chất vấn là việc đại biểu HĐND nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu.
Giải trình là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể giám sát quy định tại Luật này.
Về chủ thể giám sát và đối tượng bị giám sát
Đối với hoạt động chất vấn: Chủ thể giám sát là đại biểu HĐND và đối tượng bị giám sát là cá nhân như: Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp.
Đối với hoạt động giải trình: Chủ thể giám sát là Thường trực HĐND, đại biểu HĐND và đối tượng bị giám sát là cơ quan, cá nhân.
Về căn cứ tiến hành phiên chất vấn và phiên giải trình
Phiên họp chất vấn: Thường trực HDNĐ căn cứ vào chương trình phiên họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu HĐND để quyết định nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn, thời gian chất vấn.
Phiên họp giải trình: Thường trực HĐND căn cứ vào chương trình giám sát, trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các thành viên Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND để quyết định việc tổ chức giải trình, nội dung, kế hoạch tổ chức giải trình và người được yêu cầu giải trình.
Tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, nội dung giải trình
Dự kiến nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn theo các tiêu chí sau đây: (1) Vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, được nhiều đại biểu HĐND, cử tri quan tâm; (2) Vấn đề có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và các quy định khác của pháp luật; (3) Vấn đề đã được người bị chất vấn trả lời trực tiếp tại kỳ họp HĐND hoặc trả lời bằng văn bản nhưng đại biểu HĐND không đồng ý với nội dung trả lời; (4) Vấn đề khác nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước hoặc qua khảo sát, giám sát phát hiện hạn chế, bất cập cần được chất vấn để làm rõ và đưa ra những yêu cầu, giải pháp để kịp thời khắc phục.
Việc lựa chọn nội dung giải trình được thực hiện căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của người được yêu cầu giải trình và ưu tiên theo các tiêu chí: (1) Vấn đề có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và các quy định khác của pháp luật; (2) Vấn đề mới, phức tạp được xã hội quan tâm mà chưa có giải pháp thực hiện; (3) Vấn đề có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập ở địa phương; những nội dung còn nhiều tồn tại, hạn chế ở địa phương.
Về hình thức thực hiện
Chất vấn có 02 hình thức trả lời: trực tiếp và bằng văn bản. Thường trực HĐND cho trả lời bằng văn bản trong 03 trường hợp gồm (1) chất vấn không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp, (2) vấn đề chất vấn cần được điều tra, xác minh, (3) chất vấn thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp nhưng chưa được trả lời tại phiên họp.
Giải trình chỉ có hình thức trả lời trực tiếp.
Về ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn, hoạt động giải trình
Theo quy định, chậm nhất là 10 ngày trước ngày tổ chức phiên chất vấn, phiên giải trình, Thường trực HĐND ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn, kế hoạch tổ chức giải trình để gửi đến đại biểu HĐND, các cơ quan hữu quan và người bị chất vấn, giải trình. Kế hoạch nêu rõ nhóm vấn đề chất vấn, vấn đề giải trình, các nội dung có liên quan, người bị chất vấn, giải trình, thời gian, địa điểm tổ chức chất vấn, giải trình, thành phần tham dự.
Về trình tự thực hiện
Phiên họp chất vấn được tiến hành theo trình tự sau: (1) Đại biểu HĐND nêu chất vấn; (2) Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu HĐND đã chất vấn, không được uỷ quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có); (3) Trường hợp đại biểu HĐND không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời;
Phiên họp giải trình được tiến hành theo trình tự sau: (1) Chủ toạ nêu nội dung yêu cầu giải trình, người có trách nhiệm giải trình; (2) Thành viên Thường trực HĐND, đại biểu HĐND tham dự nêu yêu cầu giải trình; (3) Người giải trình  có trách nhiệm giải trình vấn đề được yêu cầu; (4) Đại diện cơ quan, tổ chức được mời tham dự phiên giải trình phát biểu ý kiến; (5) Chủ toạ tóm tắt nội dung phiên giải trình, dự kiến kết luận vấn đề được giải trình;
Về kết quả phiên chất vấn, phiên giải trình
Kết thúc phiên chất vấn, Thường trực HĐND quyết định việc ban hành kết luận về chất vấn nếu xét thấy cần thiết. Trường hợp Thường trực HĐND quyết định ban hành kết luận về chất vấn thì kết luận được lấy ý kiến thành viên của Thường trực HĐND và các đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, các cơ quan có liên quan để hoàn thiện trước ban hành. Đối với trả lời chất vấn bằng văn bản: Sau khi nhận được văn bản trả lời chất vấn, nếu đại biểu HĐND không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Thường trực HĐND đưa ra thảo luận tại phiên họp Thường trực HĐND hoặc kiến nghị Thường trực HĐND, HĐND xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn.
Kết thúc phiên giải trình, Thường trực HĐND xem xét, thông qua kết luận vấn đề được giải trình; kết luận được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Thường trực HĐND biểu quyết tán thành. Kết luận của Thường trực HĐND được gửi đến đại biểu HĐND, người được yêu cầu giải trình và cơ quan, tổ chức có liên quan. Cơ quan, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện kết luận của Thường trực HĐND, trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì Thường trực HĐND báo cáo HĐND xem xét, quyết định.
Như vậy có thể thấy, hoạt động chất vấn và hoạt động giải trình cùng do một chủ thể đứng ra tổ chức thực hiện là Thường trực HĐND dưới hình thức phiên họp của Thường trực HĐND; đều thực hiện là dưới dạng hỏi - đáp, tuy nhiên cần phân biệt và định hướng rằng hoạt động chất vấn tập trung vào làm rõ trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được chất vấn; còn giải trình tập trung làm rõ những vướng mắc, tồn tại trong công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị có liên quan. Nội dung yêu cầu giải trình có thể rộng hơn, bao quát chức năng nhiệm vụ của cả một ngành, một cơ quan, một lĩnh vực; trong khi vấn đề đưa ra chất vấn có thể là những nội dung rất cụ thể và thông thường chất vấn về những tồn tại, yếu kém, bất cập… Trong phiên chất vấn, người chất vấn chỉ có thể là cá nhân mỗi đại biểu HĐND, không phải tập thể Thường trực, các Ban của HĐND hay tổ đại biểu HĐND; Thường trực HĐND phải xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn. Còn trong phiên giải trình, Thường trực HĐND ngoài vai trò là người chủ trì phiên họp còn phải là người trực tiếp đưa ra yêu cầu giải trình. Các đại biểu HĐND khác được mời dự phiên giải trình cũng có thể nêu yêu cầu giải trình bổ sung, nhưng người yêu cầu giải trình chính vẫn phải là Thường trực HĐND. Ở phiên chất vấn, người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp các câu hỏi của người chất vấn, xác định rõ trách nhiệm đối với vấn đề người chất vấn nêu, cam kết áp dụng các biện pháp có thể để khắc phục, thời hạn khắc phục những yếu kém, bất cập mà đại biểu đã nêu. Còn trong phiên giải trình, người giải trình có thể thuyết minh, cung cấp thông tin về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình hoặc cơ quan mình; giải thích, cung cấp thêm thông tin, trình bày rõ kết quả thực hiện của cơ quan, đơn vị, việc phối hợp với các cơ quan có liên quan và làm rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao… Qua đó cùng hướng tới mục tiêu giải quyết những vướng mắc, hạn chế nếu có, thúc đẩy thực hiện tốt các nhiệm vụ của từng cá nhân, đơn vị; thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng địa phương; góp phần làm phong phú hoạt động và tăng tính thực quyền của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương./.

 

Tác giả: Duy Khôi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập47
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm46
  • Hôm nay2,722
  • Tháng hiện tại117,329
  • Tổng lượt truy cập9,196,345
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây