Huyện Trùng Khánh (được sáp nhập từ huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh cũ) là đơn vị miền núi, biên giới, có gần 93800 km đường biên với Trung Quốc; tổng diện tích tự nhiên hơn 688 km2, dân số gần 70.500 người. Sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập huyện đã giảm 8 xã, 137 xóm, tổ dân phố.
Giám sát thực địa cho thấy: Do dân cư sinh sống không tập trung; nhiều tuyến chưa có đường ô tô và xe máy tới xóm, việc đi lại của nhân dân vô cùng khó khăn. Có xóm sáp nhập từ 03 xóm nên khó khăn trong việc sinh hoạt cộng đồng, sự khác nhau về phong tục tập quán, dân tộc dễ dẫn tới bất đồng quan điểm. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư lớn với 145 trường hợp.
Tại buổi làm việc Đoàn giám sát đề nghị địa phương làm rõ hơn những vướng mắc trong việc đảm bảo điều kiện y tế, thăm khám bệnh cho bà con nhất là việc duy trì 2 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn mỗi xã.
Bà VƯƠNG THỊ TUYÊN – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng: “Về việc là giám các trạm y tế xã phường thì chúng tôi phải căn cứ vào các quy định pháp luật, Nghị định 117/2014/NĐ-CP của Chính phủ có quy định trạm y tế xã phường là đơn vị được tổ chức theo đơn vị xã phường thị trấn. Một xã phường thị trấn chỉ có một đơn vị trạm y tế ở trên địa bàn thôi.”
Ông VŨ ĐỨC HỘI – Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính: “Vì các đồng chí căn cứ vào pháp luật theo thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ và Bộ Y tế là mỗi xã có 1 trạm và 1 trạm không quá 5 người. Nhưng trong Luật Ngân sách Nhà nước và trong Nghị định 163 đã có quy định về chế độ chính sách địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định. Tức là về chế độ cho con người thì có thể xin Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về cơ cấu nguồn. Nguồn chi mình đang chi rồi tại sao lại phải cắt đi để khó khăn của của bà con tăng lên và đang bức xúc ở đây?”
Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Qua đến nay tôi mới thấy bức xúc có 2 thứ: Một là tổ dân phố. Hai là y tế xã. Trong khi đó y tế xã, như đại diện Bộ Nội vụ đã nói, chỉ có Cao Bằng mới làm thế, còn các tỉnh không làm thế. Tôi mới đi Quảng Ninh thôi, tôi tưởng đây chỉ khác Quảng Ninh thôi nhưng Bộ Nội vụ nói Đề án duyệt nói là không sắp xếp y tế, giáo dục. Quảng Ninh là người ta vẫn mỗi xã 1 trạm y tế nhưng người ta vẫn giữ 10 người. 5 người này vẫn ở xã này, 5 người kia vẫn ở xã kia. Nếu 3 xã vẫn giữ 15 người.”
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu địa phương và đại diện các bộ ngành nghiên cứu báo cáo cụ thể hơn vấn đề này trong buổi làm việc với UBND tỉnh ngày 24/04 trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định Đoàn giám sát đã ghi nhận các ý kiến kiến nghị của huyện Trùng Khánh trong buổi làm việc và sẽ tổng hợp báo cáo lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.