Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, hoạt động thẩm tra là một trong các nội dung được Thường trực HĐND huyện Hà Quảng đặc biệt quan tâm ban hành văn bản phân công các Ban HĐND huyện tổ chức thẩm tra để đảm bảo chất lượng các văn bản trình tại kỳ họp. Qua 14 kỳ họp HĐND huyện, các Ban HĐND huyện đã tổ chức thẩm tra đối với 109 báo cáo, 64 tờ trình, dự thảo Nghị quyết của UBND huyện và các cơ quan hữu quan có liên quan trình tại các kỳ họp, cơ bản các văn bản được soạn thảo đảm bảo đúng quy trình, phát huy những mặt đã đạt được trong các nhiệm kỳ trước và tiếp tục đổi mới theo hướng chuyên sâu vào từng nội dung, lĩnh vực. Trong thời gian qua, các Ban HĐND huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hà Quảng có nhiều cố gắng trong hoạt động thẩm tra, các Ban HĐND cấp huyện đã tổ chức khảo sát, nắm tình hình và nghiên cứu tài liệu tham khảo để phục vụ hoạt động thẩm tra, qua đó góp phần chỉ ra một số nội dung chưa phù hợp trong báo cáo, dự thảo nghị quyết do UBND trình, làm cơ sở để đại biểu HĐND nghiên cứu, thảo luận và quyết định các nội dung tại kỳ họp, các nội dung thẩm tra của các Ban HĐND hầu hết được UBND huyện tiếp thu. Điều đó khẳng định phương pháp, cách thức tổ chức thẩm tra của các Ban HĐND đảm bảo đúng hướng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của HĐND huyện trong nhiệm kỳ mới.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động thẩm tra vẫn còn một số hạn chế cần được tiếp tục đổi mới như: Một số báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết của các cơ quan, đơn vị gửi về Thường trực HĐND, các Ban HĐND còn chậm so với yêu cầu, hồ sơ gửi kèm đôi khi chưa đầy đủ, thiếu thông tin; một số cơ quan được giao chủ trì soạn thảo đề án, dự thảo nghị quyết chưa chủ động phối hợp với các Ban HĐND ngay từ đầu trong quá trình xây dựng đề án, dự thảo nghị quyết; một số dự thảo nghị quyết trình chưa đảm bảo chất lượng; Thành viên của các Ban hoạt động chủ yếu là kiêm nhiệm, mỗi thành viên cơ bản có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực chuyên ngành nhất định, trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ của Ban, lĩnh vực hoạt động khá rộng, một số lĩnh vực cần chuyên môn sâu, nên có lúc ý kiến thẩm tra chưa sâu sắc; Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND có việc còn chung chung, chủ yếu đi sâu vào đánh giá kết quả đạt được mà đôi lúc chưa nêu rõ những vấn đề chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra văn bản trình tại kỳ họp HĐND các cấp, cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác thẩm tra, đồng thời đưa ra được những giải pháp góp phần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng thẩm tra các văn bản trình tại kỳ họp HĐND, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HĐND huyện. Với mong muốn đó, Thường trực HĐND huyện Hà Quảng đưa ra một số nội dung nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, Thường trực HĐND phân công các Ban HĐND tổ chức thẩm tra các văn bản kỳ họp đảm bảo đúng theo lĩnh vực Ban phụ trách, đồng thời bố trí, sắp xếp tham dự cuộc họp thẩm tra để chỉ đạo thêm hoạt động thẩm tra của các Ban; chỉ đạo Văn phòng gửi tài liệu trước để các Ủy viên các Ban HĐND nghiên cứu, chuẩn bị các ý kiến có chất lượng tham gia ý kiến tại cuộc họp thẩm tra.
Hai là: Thành viên các Ban của HĐND phải nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thường xuyên cập nhật các văn bản mới của các cấp, nhất là các văn bản mới được sửa đổi, bổ sung, thay thế và thường xuyên theo dõi sát và nắm rõ tình hình thực tế của địa phương.
Ba là, Uỷ ban nhân dân và các cơ quan, đơn vị soạn thảo văn bản cần phải gửi đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan, đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn đến Thường trực và các Ban HĐND huyện để thẩm tra và có trách nhiệm tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm tra của các Ban.
Bốn là, Các Ban cần phân công Ủy viên các Ban HĐND huyện nghiên cứu kỹ các văn bản theo lĩnh vực được phân công phụ trách; tổ chức các hoạt động khảo sát thực tế tại địa bàn có liên quan đến vấn đề cần thẩm tra; chủ trì cần phải có các ý kiến gợi ý, gợi mở những vấn đề cần quan tâm, tập trung thảo luận cho ý kiến.
Năm là, Thành viên các Ban cần chủ động đầu tư thời gian nghiên cứu các văn bản và tài liệu liên quan, mạnh dạn có ý kiến phản biện những nội dung chưa đảm bảo tính chính xác, chưa hợp lý của báo cáo, những nội dung chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính khả thi của dự thảo Nghị quyết, thể hiện rõ chính kiến của Ban tại báo cáo kết quả thẩm tra, báo cáo thẩm tra cần phải có tính phản biện, đảm bảo tính thống nhất khi trình HĐND tại kỳ họp.
Sáu là: Nội dung báo cáo thẩm tra cần đánh giá khái quát về sự phù hợp của dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thể hiện rõ quan điểm của Ban về những nội dung thẩm tra và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung và phương án xử lý của Ban thẩm tra đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Sau khi xây dựng xong dự thảo báo cáo gửi thành viên ban góp ý (hoặc họp Ban), thống nhất trước khi báo cáo Thường trực HĐND huyện xin ý kiến, trước khi ban hành.
Bảy là: Để nâng cao kỹ năng và chất lượng thẩm tra các Ban HĐND cấp xã, ngoài việc cử tham gia tập huấn, hướng dẫn trực tiếp tại cơ sở, Thường trực HĐND huyện chỉ đạo Ban HĐND cấp huyện mời các Ban HĐND cấp xã tham dự học tập kinh nghiệm tại các cuộc họp thẩm tra Ban HĐND huyện (03 cuộc).
Trong thời gian qua, với cách thức, phương pháp tổ chức hoạt động thẩm tra của các Ban của HĐND huyện Hà Quảng như trên vừa đảm bảo các quy định của pháp luật vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, được UBND huyện và các cơ quan hữu quan có liên quan đồng tình, ủng hộ. Qua đó, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của các Ban HĐND huyện, góp phần thực hiện thành công các kỳ họp của HĐND huyện và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.