Khó khăn trong công tác quản lý và cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Thứ ba - 16/07/2024 05:08
Mặc dù các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý và cai nghiện ma túy, nhưng công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát thực địa Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.
Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát thực địa Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.
Công tác quản lý và cai nghiện ma túy còn nhiều khó khăn

Theo báo cáo giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, hiện nay toàn tỉnh Cao Bằng có 145/161 xã, phường, thị trấn có ma túy; với tổng số 7138 người có liên quan đến ma túy. Trong đó có 1.778 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; 5.360 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy không có hồ sơ quản lý. Đối tượng nghiện ma túy chủ yếu là nam giới, có độ tuổi từ 18 trở lên, cơ bản không có công ăn việc làm ổn định;  có 1.761 người sử dụng heroine; 17 người sử dụng ma túy khác; 1.507 người nghiện ma túy đang tham gia, thực hiện cai nghiện, điều trị nghiện ma túy.

Trước tình trạng người sử dụng, nghiện ma túy có chiều hướng tăng, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 và Nghị quyết số 88/2023/NQ-HĐND ngày 8/ 12/2023;  UBND tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương quan tâm triển khai và thực hiện tốt công tác điều trị, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Đồng thời, huy động các nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ người sau cai nghiện, giúp đỡ người sau cai có việc làm ổn định cuộc sống.

Theo số liệu báo cáo giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận 473 người đi cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh. Số kinh phí được cấp đến năm 2023: 476.270.000đ, Kinh phí đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện đóng góp: 233.491.800 đồng; Chi cho công tác cai nghiện tự nguyện: 231.080.553 đồng….  Học viên thực hiện việc cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh được điều trị cắt cơn, giải độc bằng phương pháp lao động trị liệu. Cơ sở điều trị bố trí lao động tại công trường, hướng dẫn trồng và chăm sóc rau, chăn nuôi gà, vịt, lợn, cá, trồng rừng…; ngoài ra, các đối tượng còn tham gia lớp dạy nghề điện cơ khí do cơ sở phối hợp với Trường Trung cấp Nghề tỉnh tổ chức giảng dạy.  Sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện, người nghiện ma túy sẽ được quản lý tại nơi cư trú.

Tuy nhiên, việc quản lý và cai nghiện ma túy vẫn còn nhiều khó khăn, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về ma túy và kỹ năng phòng, tránh ma túy cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thanh, thiếu niên, học sinh hiệu quả chưa như kỳ vọng, số thanh, thiếu niên bị rủ rê, lôi kéo sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng; tâm lý, thái độ kỳ thị với người nghiện ma túy vẫn còn phổ biến, làm cho công tác giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng gặp nhiều khó khăn. 

Công tác rà soát, thống kê, lập danh sách, hồ sơ quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện ma túy còn hạn chế, chưa thực hiện được đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 23 và Điều 40 của Luật Phòng chống ma túy. Số người nghiện chưa được lập hồ sơ quản lý còn cao, số người nghiện ma túy có hồ sơ ở ngoài xã hội chiếm tỷ lệ lớn nhưng tỉnh chưa thể đáp ứng được nhu cầu cai nghiện và quản lý, có nguy cơ phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội. 

Việc rà soát, phát hiện người nghiện, vận động và áp dụng các biện pháp cai nghiện ma túy thiếu kịp thời, phần lớn khi đối tượng lâm vào tình trạng nghiện nặng mới phát hiện và áp dụng biện pháp cai nghiện nên hiệu quả công tác cai nghiện không cao. Số đối tượng liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh là 7138 người, trong đó có  5.360 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy không có hồ sơ quản lý (chiếm 75%);

Các cơ sở cai nghiện ma túy chưa đáp ứng nhu cầu (chỉ tiếp nhận từ 250 - 300 người bệnh/năm); khu nhà chuyên biệt dành nữ giới, người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; khu nhà cách ly đối với học viên vi phạm nội quy, quy chế, mắc bệnh truyền nhiễm; nghiện ma túy lên cơn loạn thần, kích động; nhà thăm thân, nhà xưởng, nhà kho, trang thiết bị phục vụ công tác tổ chức lao động trị liệu, dạy nghề cho học viên chưa được đầu tư xây dựng; Diện tích phòng ở bình quân 06 m2/đối tượng; đối với đối tượng phải chăm sóc 24/24 giờ một ngày, diện tích phòng ở bình quân 08 m2/đối tượng; nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt chưa đảm bảo cụ thể như (tại địa điểm 2: Xóm Nà Roác I, Bạch Đằng, Hòa An, Cao Bằng)...

Số người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone bỏ điều trị, người nghiện ma túy lợi dụng điều trị Methadone để tránh việc cai nghiện tập trung có chiều hướng gia tăngCông tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma tuý sau cai và việc hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện ma tuý ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Người nghiện ma túy sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh trở về lại nơi cư trú thường tái nghiện, tỷ lệ tái nghiện cao. Đáng chú ý, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng chưa thật sự hiệu quả, còn gặp nhiều khó khăn...

Điều kiện cơ sở vật chất, y bác sĩ tại các cơ sở điều trị cai nghiện của các địa phương chưa được quan tâm đầu tư, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định. Hiện tại các cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh còn thiếu biên chế mặc dù làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại nhưng chế độ chính sách đối với lực lượng chuyên trách và kiêm nhiệm làm công tác này chưa tương xứng.

Theo báo cáo của các huyện, thành phố do Nghị quyết số 88/2023/NQ-HĐND ngày 8 tháng 12 năm 2023 mới thực hiện nên các đơn vị (cấp xã) có người sau cai nghiện ma túy, người nghiện ma túy chưa tự cân đối được kinh phí để thực hiện điểm c khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết do đó chưa được như mong muốn và thiếu sự bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp

Trong thời gian sắp tới, để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma tuý sau cai đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí đủ nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 88/2023/NQ-HĐND ngày 8 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh; ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030 đầu tư, xây dựng các hạng mục thiết yếu thuộc Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ như (địa điểm 1 (trụ sở chính) tại tổ 6, phường Sông Hiến (Thành phố); địa điểm 2 tại xóm Nà Roác I, xã Bạch Đằng (Hòa An); nâng mức trợ cấp đặc thù cho công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các đơn vị phòng, chống, cai nghiện ma túy theo quy định tại Nghị định số 26/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ; bổ sung biên chế cho Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Cao Bằng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và theo quy định tại khoản 2, Điều 9 Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH ngày 28/11/2022.


Ngành Y tế, tổ chức đào tạo, tập huấn, cấp chứng chỉ cho cán bộ y tế có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý các cơ sở điều trị Methadone, hạn chế tối đa các trường hợp bỏ điều trị Methadone; rà soát, đánh giá lại các điểm điều trị Methadone được bố trí tại các huyện để có biện pháp quản lý phù hợp; bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu điều trị, chữa bệnh cho các đối tượng đúng quy định của pháp luật.

Đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm cho người sau cai nghiện học nghề, bảo đảm có thu nhập ổn định cuộc sống để giúp người sau cai nghiện sớm hòa nhập với cộng đồng; Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đóng trên địa bàn tiếp nhận những người đã hoàn thành chương trình cai nghiện vào làm việc tại công ty, doanh nghiệp, HTX để tạo việc làm, thu nhập ổn định, góp phần hạn chế tình trạng tái nghiện. Đồng thời, tăng cường biện pháp quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú đối với người cai nghiện ma túy sau khi hết thời hạn cai nghiện bắt buộc.

Các cấp, ngành và địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về công tác phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng; tập trung vào các xã, phường, trọng điểm về tệ nạn ma túy, các nhóm người có nguy cơ cao như: Đối tượng không nghề nghiệp, không có việc làm hoặc có việc làm không ổn định, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên…; tăng cường tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy, gia đình người nghiện thực hiện có hiệu quả việc tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cai nghiện và bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Phát động phong trào toàn dân phát hiện, vận động người nghiện ma túy và gia đình tự khai báo, tố giác và kết hợp điều tra. Khảo sát thống kê, cập nhật để nắm chắc số lượng và diễn biến tình hình nghiện trên từng địa bàn, cụm dân cư, tổ dân phố để người nghiện ma túy đều được theo dõi, quản lý./.


 

Tác giả: Tuyết Nhung ( Phòng Dân nguyện - Thông tin)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc


chuyen muc

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm14
  • Hôm nay8,336
  • Tháng hiện tại152,323
  • Tổng lượt truy cập7,424,058
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây