Nhưng để hoàn thành trọng trách ấy, đòi hỏi người đại biểu của nhân dân cần phải có những tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, trình độ nhất định, phải thật sự gắn bó và có uy tín với nhân dân. Thông qua những hoạt động của mình, người đại biểu cần khẳng định mình đúng là đại diện của dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân; đủ bản lĩnh và năng lực để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; tích cực chủ động phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm để thể hiện chính kiến của mình và tâm nguyện của cử tri trong thảo luận và xây dựng các nghị quyết của HĐND đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, phù hợp với lòng dân; thay mặt nhân dân quyết định các vấn đề hệ trọng của địa phương tại các kỳ họp HĐND. Nghiên cứu, xem xét, thu thập thông tin, tư liệu để thực hiện quyền chất vấn các cơ quan chức năng có liên quan để thực hiện vai trò tham gia quản lý nhà nước của nhân dân và tăng cường vai trò phản biện xã hội tại diễn đàn kỳ họp; mạnh dạn đeo bám tới cùng để những vấn đề đưa ra chất vấn được làm sáng tỏ và để cơ quan chịu sự chất vấn phải đưa ra được giải pháp và lộ trình khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Đồng thời, thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng là dịp để nhân dân được trực tiếp giám sát, đánh giá trình độ, năng lực và hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND; giúp đại biểu HĐND đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước với nhân dân.
Trong hoạt động tham gia xây dựng và ban hành các nghị quyết của HĐND, để nghị quyết bảo đảm chất lượng và thực sự đi vào cuộc sống, người đại biểu HĐND cần nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình, điều kiện thực tế của địa phương. Ngoài việc tham gia ý kiến và biểu quyết thông qua tại kỳ họp, đòi hỏi đại biểu HĐND phải chủ động thực hiện quyền giám sát và tham gia các hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và các tổ đại biểu HĐND đối với Uỷ ban nhân dân; Toà án nhân dân; Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước; tổ chức kinh tế; tổ chức xã hội và cá nhân, nhất là giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND đã được ban hành.
Trong hoạt động giám sát, cần quan tâm đến các vấn đề nổi cộm mà nhân dân quan tâm và có nhiều ý kiến. Qua hoạt động giám sát, cần chỉ ra được những việc làm được, những việc chưa làm được, hoặc làm chưa đúng, phát hiện ra thiếu sót, hạn chế, đề xuất biện pháp khắc phục. Kết luận giám sát cần cụ thể, rõ ràng, có kiến nghị đến các cơ quan hữu quan để được giải trình, giải quyết và báo cáo cụ thể kết quả thực hiện theo yêu cầu của đại biểu HĐND, của các đoàn giám sát đúng thời gian quy định. Việc theo dõi, bám nắm tình hình thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của các đơn vị chịu sự giám sát cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đại biểu HĐND phải kịp thời thông báo kết quả giải quyết của các cơ quan nhà nước về những vấn đề đã được cử tri quan tâm, kiến nghị. Đồng thời, thông qua hoạt động giám sát, đoàn giám sát và đại biểu HĐND cũng cần có được sự chia xẻ, cảm thông trước những khó khăn, bất cập do điều kiện khách quan chi phối của các đơn vị, tổ chức chịu sự giám sát.
Trong quá trình hoạt động của mình, đại biểu HĐND cần phải giữ được mối liên hệ chặt chẽ với cử tri ở nơi bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng chính đáng, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Để đạt được điều đó, người đại biểu cần thực hiện tốt chế độ tiếp xúc cử tri theo luật định để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; lắng nghe, trao đổi, giải đáp và tiếp thu những ý kiến phản ánh của cử tri về những vấn đề nổi cộm, bất hợp lý, trong thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật, trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đó cũng là cơ hội tốt nhất để đại biểu HĐND được tiếp xúc trực tiếp với Nhân dân, nghe được nhiều ý kiến của Nhân dân đóng góp với Đảng và Nhà nước cũng như nhiều thông tin cần thiết khác. Quan tâm đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chính đáng của công dân nơi mình ứng cử; có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền để tạo lòng tin của Nhân dân đối với người đại biểu.
Trong thực tế các nhiệm kỳ đã qua và nhất là trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, đa số các đại biểu đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, được cử tri yêu mến và tin tưởng. Bên cạnh đó, vẫn còn có một số đại biểu chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm, chưa mạnh dạn thể hiện chính kiến của mình trong các cuộc thảo luận, xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, chưa thực hiện “tròn vai” là người đại diện của Nhân dân, vì vậy, chưa đáp ứng được sự mong đợi của cử tri, của Nhân dân.
Trước ngưỡng cửa của một nhiệm kỳ mới (2026 -2031) sắp tới, cử tri mong những đại biểu do mình bầu ra sẽ cố gắng nỗ lực hơn nữa để vượt qua những khó khăn, thách thức; ra sức học tập, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất cách mạng; nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, khiêm tốn, gương mẫu trong cuộc sống, hoàn thành tốt vị trí, vai trò của người đại biểu dân cử; thường xuyên gần gũi, gắn bó với nhân dân nơi cư trú. Đồng thời, người đại biểu dân cử cần có thái độ cầu thị và luôn mong nhận được sự quan tâm góp ý, giúp đỡ của cử tri để bản thân thực hiện tốt công việc mà nhân dân tin tưởng giao cho. Chúng ta tin tưởng rằng, qua những kết quả và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, các đại biểu HĐND nhiệm kỳ mới sẽ phấn đấu hết mình để “vừa có tâm, vừa đủ tầm” trong hoạt động của mình, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân trong “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.