Nguyên nhân giải ngân chậm
Giám đốc sở Kế hoạch – Đầu tư Lưu Công Hữu trả lời: So sánh với cùng kỳ năm trước: Thời điểm tháng 6/2023, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tính trên tổng vốn đã giao chi tiết là 1.034/4.490 tỷ đồng, đạt 23,0% kế hoạch. Như vậy, tỷ lệ giải ngân năm 2024 đã thấp hơn so với năm 2023 là 6,5%; về số tuyệt đối thì số vốn giải ngân năm 2024 thấp hơn so với năm 2023 là 84,6 tỷ đồng. Giải ngân thấp là do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều. Vướng dự án chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư: dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) 1.934/5.746 tỷ đồng, chiếm 33,6% kế hoạch vốn năm 2024, giải ngân mới được 29,8 tỷ đồng, đạt 1,5% kế hoạch; Vướng công tác giải phóng mặt bằng. Vướng mắc trong thủ tục thanh lý tài sản; Nguồn vật liệu khan hiếm; Nguồn vốn được giao chậm. Trách nhiệm một số Thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, các đơn vị quản lý vốn chưa nỗ lực và chưa quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án; Vướng mắc chung các chương trình mục tiêu quốc gia….
Mặc dù UBND tỉnh đã đề ra rất nhiều giải pháp để khắc phục, nhưng chưa cải thiện được nhiều, theo trả lời chất vấn đã đưa ra 10 giải pháp rất tối ưu, rất tốt, nhưng hiệu quả thực hiện được đến đâu thì phải có thời gian đánh giá. Để làm rõ hơn nguyên nhân giải ngân chậm ở 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chủ tọa đề nghị các ngành chuyên môn giải trình làm rõ thêm?
Giải trình làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm
Theo Giám đốc sở Lao động – Thương binh, Xã hội Hoàng Mỹ Hảo giải trình: Giải ngân của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Cao Bằng giải ngân ở tốp thấp hơn trung bình cả nước chỉ đạt 19,8% và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. NSTW giải ngân đạt 20%; vốn đấu tư phát triển đạt gần 8%; vốn sự nghiệp thấp hơn 10,5%; NSĐP thấp hơn 69%. Lý do giải ngân đạt thấp, đối với vốn đầu tư phát triển do điều kiện thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng tiến độ thi công các công trình nên thực hiện không đạt; vốn sự nghiệp thấp hơn ở cả 7 dự án (11 tiểu dự án của CTMTQG giảm nghèo) một số dự án đã có khối lượng nhưng chưa thanh toán, vốn sự nghiệp giải ngân đạt thấp là do năm 2023 nhu cầu vốn thực hiện dự án 5, chi cho các hộ thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát do đang rất thiếu nhu cầu vốn nên giải ngân được nhanh hơn. Vốn NSĐP năm nay bố trí cao hơn cụ thể là 31 tỷ 600 triệu đồng, do tiến độ giải ngân dự án 5 (xóa nhà tạm, nhà dột nát) nhu cầu không bằng cùng kỳ nên mới giải ngân được 14%.
Thực hiện Nghị quyết 111 của Quốc hội cho phép điều chuyển vốn các dự án khó có khả năng thực hiện để chuyển sang các dự án có khả năng thực hiện được cao, các huyện đã chủ động đề nghị điều chỉnh vốn trong cá dự án và tiểu dự án, cụ thể sẽ đề xuất điều chuyển hơn 40 tỷ đồng, hiện nay các vướng mắc về thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững cơ bản đã được tháo gỡ, chỉ còn tiêu chí thu nhập thấp là chưa có văn bản hướng dẫn. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cơ sở tháo gỡ khó khăn để cải thiện tốt hơn tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn trong 6 tháng cuối năm 2024.
Theo Trưởng Ban Dân tộc UBND tỉnh Bế Văn Hùng giải trình làm rõ thêm: Giải ngân đạt thấp của CTMTQG phát triển vùng đồng bào Dân tộc thiểu số miền núi, có 10 dự án, trong đó vốn sự nghiệp là nhiều nhất, dự án 1 giải ngân được 22% cao nhất; dự án 5 được 13%; dự án 9 được 14%; thấp nhất dự án 8 được 1,1%; dự án 6 được 4%; dự án 7 được 4%; dự án 10 được 3%. Đề tháng 8/2023, Ủy ban Dân tộc có văn bản tháo gỡ những vướng mắc đối với vốn đầu tư và vốn sự nghiệp.
Mặc dù đã được tháo gỡ các khó khăn vướng mắc từ năm 2023, tuy nhiên 2024 tỷ lệ giải ngân còn thấp hơn cả năm 2023, lý do trách nhiệm của người đứng đầu ở các huyện, các phòng, ban chuyên chuyên môn, các xã, thị trấn chưa thực hiện triển khai, triển khai rất chậm và không quyết liệt, mặc dù các đoàn liên ngành của tỉnh đã trực tiếp đi cơ sở tháo gỡ khó khăn, cầm tay chỉ việc nhưng không đạt hiệu quả.
Vốn sự nghiệp của dự án 3 chiếm 52% , để giải ngân được nguồn vốn này phụ thuộc vào kết quả triển khai thực hiện, hiện nay chưa có kết quả nên chưa giải ngân được.
Vướng mắc nữa là theo Nghị định số 24 của Chính phủ quy định về thẩm quyền mua sắm của Thủ trưởng không quá 200 triệu đồng nên gặp nhiều khó khăn, nếu được tháo gỡ thì từ nay đến cuối năm tập trung giải quyết những gói lớn để giao thẩm quyền cho Thủ trưởng các ngành, các đơn vị, các huyện để triển khai lựa chọn nhà thầu đấu thầu thì công tác giải ngân đạt được kết quả tốt hơn.
Giải pháp thực hiện.
Chủ tọa kỳ họp yêu cầu làm rõ trách nhiệm các chủ đầu tư, các sở, ngành, các huyện, có đơn vị tỷ lệ giải ngân đang 0%, phải thực sự quyết liệt giải quyết vấn đề này, phải chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư dự án. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tổng hợp các đơn vị nhiều năm yếu kém về công tác giải ngân, trên cơ sở đó kỳ này kiên quyết có điều chỉnh về mặt nhân sự.