Nguồn vốn chưa đáp ứng được nhu cầu
Trả lời chất vấn Giám đốc Sỏ Công thương Đồng Thị Kiều Oanh cho biết, từ năm 2021 đến quý II/2024 số hộ dân chưa có điện lưới quốc gia khoảng 6.461 hộ, tỷ lệ 4,96%, trong đó: Huyện Bảo Lâm là huyện có số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia thấp nhất toàn tỉnh: Số hộ dân chưa có điện lưới quốc gia là 3260/12.353 hộ, tỷ lệ 26,39%. Huyện Bảo Lạc: Số hộ dân chưa có điện lưới quốc gia là 2.362/10.977 hộ, tỷ lệ 21,52%. Các dự án xây dựng các công trình cấp điện cho các xóm chưa có điện đang triển khai tại 7 huyện: 22 dự án, cấp điện cho 38 xóm và 1.094 hộ. Tổng kinh phí thực hiện 22 dự án: 91,423 tỷ đồng. Như vậy, sau khi 22 dự án hoàn thành thì số xóm chưa có điện còn 45 xóm và 5367 hộ, chiếm 4,12% so với tổng số hộ dân tại quý II năm 2024.
Ngân sách Trung ương (NSTW): Bố trí cho giai đoạn 2021 - 2024 là 180 tỷ đồng ưu tiên cấp điện cho 06 huyện có tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện thấp (Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng, Nguyên Bình, Hòa An và Thạch An), trong đó có huyện Bảo Lâm 03 xã (Lý Bôn, Quảng Lâm, Nam Quang); huyện Bảo Lạc 06 xã (Bảo Toàn, Cốc Pàng, Kim Cúc, Khánh Xuân, Hưng Đạo, Hồng Trị). Các Sở, ngành, UBND các huyện đã bố trí một phần vốn lồng ghép thuộc 03 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình khác để cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới lưới điện trung, hạ áp nông thôn. Nguồn vốn còn thiếu: Khoảng 283 tỷ đồng.
Huy động mọi nguồn lực để đầu tư các dự án cấp điện
Đề nghị Trung ương cấp kinh phí tiếp tục thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo cho tỉnh Cao Bằng tổng nhu cầu vốn là 283 tỷ đồng. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư các dự án cấp điện, trong đó sử dụng nguồn vốn dự phòng, kinh phí tiết kiệm thông qua đấu thầu và do nhà nước có chính sách giảm thuế VAT để đầu tư cấp điện nhằm nâng cao số hộ dân được sử dụng điện. Các Sở, ngành, UBND các huyện tiếp tục bố trí lồng ghép nguồn vốn thuộc 03 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình khác trên địa bàn tỉnh để cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới lưới điện trung, hạ áp nông thôn. Trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét tiếp tục bố trí nguồn vốn vay hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các công trình điện.
Làm rõ hơn vấn đề này, Điện lực Cao Bằng cho biết: hằng năm căn cứ theo nguồn vốn đầu tư của ngành chủ yếu tập trung cho các chương trình chống quá tải, đảm bảo cấp điện cho các khu vực trung tâm chính trị, tuy nhiên cũng giải quyết lồng ghép cho các hộ lân cận nhưng rất hạn chế, vì hiện nay nhiều hộ ở rải rác quá xa nhau, tập trung nhiều ở vùng sâu, vùng xa, xuất đầu tư quá lớn nên càng khó thực hiện, do vậy cần phải huy động rất nhiều nguồn NSĐP và nguồn vốn tại chỗ của địa phương thì mới giải quyết được, nếu để ngành điện tự lo thì vấn đề giải quyết điện cho nhân dân không khả thi, rất mong các cấp, các ngành, các địa phương chung tay giúp đỡ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê đề nghị các huyện nhất là Bảo Lạc và Bảo Lâm phải cân đối bố trí các nguồn vốn chương trình mục tiêu để giải quyết vấn đề này cho nhân dân.