Cho ý kiến về nội dung Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Dự thảo Luật Căn cước công dân là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại. Đặc biệt, dự thảo luật mở rộng đối tượng áp dụng đối với “người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch” là quy định mới và đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, giúp các địa phương có cơ sở pháp lý giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong cấp giấy tờ tùy thân cho người gốc Việt không có quốc tịch nhưng đang cư trú tại Việt Nam. Việc quy định như vậy sẽ mở ra hướng giải quyết đối với một bộ phận người gốc Việt Nam có nguyện vọng cần có một loại giấy tờ tùy thân khi chưa xác định được quốc tịch, giúp họ ổn định cuộc sống.
Đại biểu cho biết, trong chuyến công tác thực tế giám sát cùng Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tại các tỉnh phía Nam có chung đường biên giới với Campuchia, mới thấy được thực trạng của người nước ngoài đang định cư tại Việt Nam mà bản thân họ không xác định được quê hương ở đâu, cũng không có giấy tờ tùy thân nào… Chính vì vậy, họ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận các vấn đề y tế, văn hóa, giáo dục…, điều này gây khó khăn cho các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, đảm bảo quyền con người. Trong các kiến nghị của địa phương đã đề nghị Chính phủ cần có những quy định cụ thể để địa phương có căn cứ pháp lý giải quyết vấn đề trên.
Đại biểu băn khoăn mặc dù tại Điều 7 của dự thảo luật có quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam. Tuy nhiên, khi nghiên cứu Điều 7 của dự thảo luật và nghị định kèm theo tại chương III, hiện nay đã có quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước nhưng chưa có điều khoản nào quy định liên quan đến việc chuyển đổi từ giấy chứng nhận căn cước sang cấp thẻ căn cước công dân, chưa có quy định về quy trình chuyển đổi như thế nào, giá trị sử dụng giấy chứng nhận căn cước thời hạn bao lâu. Do đó đề nghị ban soạn thảo cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn.
Đối với Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông với những lý do như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
https://baocaobang.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-thao-luan-tai-to-ve-du-an-luat-can-cuoc-cong-dan-sua-doi-va-luat-vien-th-3162428.html#:~:text=G%C3%B3p%20%C3%BD%20%C4%91%E1%BB%91i,tr%C3%ACnh%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n.
Tác giả: Lê Diệp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn