Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua 08 luật (gồm: Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật phòng thủ dân sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất nhập cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam), 17 nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chung của Kỳ họp, thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý và cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác (gồm: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở); đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Tại kỳ họp, Quốc hội xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; báo cáo kết quả giám sát tối cao “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Quốc hội cũng lựa chọn 4 nhóm vấn đề quan trọng, được nhiều cử tri quan tâm để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn gồm: Lao động, thương binh và xã hội; dân tộc; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải.
Ngoài ra, Quốc hội xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội; miễn nhiệm, bầu Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Khoá XV; phê chuẩn miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường; phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời, Quốc hội đã xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Tại kỳ họp thứ 5, các vị ĐBQH Đoàn Cao Bằng tham gia đầy đủ tất cả các phiên họp, các hoạt động của các cơ quan Quốc hội và của Đoàn tổ chức. Tại 26 buổi thảo luận Hội trường, 11 buổi thảo luận Tổ, 02 buổi thảo luận Đoàn, đã có 21 lượt ý kiến của các vị ĐBQH trong Đoàn phát biểu, tích cực đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; tham gia ý kiến góp ý các dự án luật và nghị quyết, các nội dung đều được chủ toạ kỳ họp đánh giá cao.
Tại một số cuộc thảo luận Tổ, được sự ủy quyền của đồng chí Tổ trưởng, đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng chủ trì Tổ thảo luận số 16 gồm ĐBQH các tỉnh: Cao Bằng, Đồng Nai, Hà Tĩnh; đồng chí đã điều hành khoa học, hiệu quả, tổng hợp được nhiều ý kiến thảo luận của các ĐBQH.
Về công tác lập pháp và ban hành nghị quyết: Lãnh đạo Đoàn phân công các đại biểu tập trung nghiên cứu sâu từng dự án luật và các dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua và cho ý kiến lần đầu. Các đại biểu chủ động, tích cực tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ và hội trường, gửi văn bản góp ý trên tất cả các dự án luật và nghị quyết, nhất là: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;... Các nội dung được các đại biểu tham gia góp ý chuyên sâu, mang tính xây dựng, được chủ toạ kỳ họp đánh giá cao và cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu.
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước : Đại biểu Đoàn Cao Bằng tham luận thẳng thắn, đánh giá những ưu điểm, kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Từ đó, đại biểu đề nghị cần quan tâm một số vấn đề như: xem xét, nghiên cứu đánh giá sát thực hơn, dự báo tốt hơn các số liệu bởi kết quả đánh giá của năm trước là đầu vào quan trọng cho các quyết sách của năm sau và kế hoạch dài hạn hơn…quan tâm hơn đến việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), nhiều nội dung của các tiểu dự án chưa có hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành chủ trì. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri đề nghị tiếp tục chuyển nguồn vốn CTMTQG từ năm 2023 sang năm 2024 vì nhiều lý do, trong đó có lý do giao vốn chậm, hướng dẫn chưa kịp thời, thủ tục còn nhiều quy trình dẫn đến chậm giải ngân. Đồng thời, cần có giải pháp chỉ đạo quyết liệt hơn để bộ, ngành kịp thời có văn bản hướng dẫn thực hiện các CTMTQG, trong đó có CTMTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Về chất vấn và trả lời chất vấn: Các đại biểu Đoàn Cao Bằng đề xuất các nội dung được nhiều cử tri quan tâm gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp lựa chọn để chất vấn. Đồng thời, chuẩn bị câu hỏi chất vấn gửi đến người được chất vấn trên lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; dân tộc; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải.
Bên lề kỳ họp , Đoàn tổ chức tham vấn chính sách, pháp luật liên quan tới kỳ họp; đồng thời, tham gia gặp gỡ, làm việc với một số bộ, ngành và Đoàn ĐBQH một số tỉnh, thành phố.
Kết thúc kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND và UBMTTQVN các cấp tiến hành báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri sau kỳ họp. Thực hiện hoạt động tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử tại tỉnh Kon Tum và Gia Lai.
Với những hoạt động cụ thể, thiết thực, Đoàn ĐBQH tỉnh đã góp phần quan trọng vào thành công chung của kỳ họp, tiếp tục giữ vững vai trò, vị thế của cơ quan dân cử, củng cố niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với chặng đường phát triển của đất nước, dân tộc.