Thảo luận tại tổ, các đại biểu đánh giá Luật Nhà ở năm 2014 đã góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận thủ tục và dịch vụ công, huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cho rằng, sau 8 năm thực hiện, Luật Nhà ở đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, nhất là tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan, như: Quy định về nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; về sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; việc phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư; chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội…Do vậy, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho Nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường; tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với các luật khác có liên quan.
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu tập trung kiến nghị nhiều nội dung: Sở hữu nhà ở; chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; phát triển nhà ở; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; chính sách về nhà ở xã hội; tài chính cho phát triển nhà ở; quản lý, sử dụng nhà ở, nhà chung cư giao dịch về nhà ở.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp cần thực hiện thống nhất theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); bổ sung quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời, biện pháp cưỡng chế phù hợp trong trường hợp cần thiết để bảo đảm thực hiện hiệu quả chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Cần có phương án bồi thường, tái định cư phù hợp cho các chủ sở hữu căn hộ chung cư bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ sở hữu nhà chung cư đối với đất ở ổn định, lâu dài. Quy định tỷ lệ tối đa phần quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án nhà ở xã hội. Rà soát sửa đổi đồng bộ quy định của các luật có liên quan để tránh vướng mắc, bất cập khi thực thi luật.
Góp ý dự thảo luật Nhà ở, các đại biểu thảo luận về giải thích từ ngữ; các hành vi bị nghiêm cấm; chính sách phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở; bảo hộ quyền sở hữu nhà ở; các loại nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; hình thức, quỹ đất để phát triển nhà ở; các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án nhà ở; chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại; đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở công vụ; thời hạn sử dụng nhà chung cư; hình thức phát triển, thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê; xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng; lập hồ sơ về nhà ở; cưỡng chế phá dỡ nhà ở; chính sách nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang./.