Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ bảy - 10/06/2023 02:31
Chiều 8.6, Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường về Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại Hội trường
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại Hội trường
Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Nghị quyết được 451/459 tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, đạt 91,3%.
Phát biểu thảo luận về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Đoàn Thị Lê An bày tỏ sự đồng tình với tờ trình của Chính phủ, Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Đại biểu cho rằng tại các kỳ họp Quốc hội, các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều quan tâm đến vấn đề tăng cường phân cấp, ủy quyền giữa các cấp từ Trung ương cho địa phương, từ cơ quan cấp trên cho cơ quan cấp dưới. Việc thực hiện phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực một cách khoa học, hợp lý có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy năng lực, vị trí, vai trò của các cấp chính quyền. Các cơ quan trung ương (Chính phủ, bộ, ngành) tập trung hơn vào hoạch định chính sách vĩ mô; các cơ quan chính quyền địa phương, nhất là cấp tỉnh, được phân cấp nhiều hơn trong việc quản lý nhà nước trên địa bàn, thực hiện phê duyệt/đánh giá/chấp thuận/cấp phép và các thủ tục hành chính, v.v... Việc phân cấp, ủy quyền hợp lý cũng là cơ sở để chính quyền địa phương trực tiếp giải quyết các công việc có tính đặc thù của địa phương; phát huy sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước phục vụ tốt hơn nhu cầu và lợi ích của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi địa phương.
Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo, là cửa ngõ quan trọng kết nối các khu vực và thế giới. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI và 05 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; quy mô kinh tế tăng gấp 2,7 lần so năm 2010, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010, đạt hơn 6.200 USD/người; số thu ngân sách của Thành phố chiếm 27% tổng thu ngân sách cả nước; công tác giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân, phát triển văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thành phố từng bước được cải thiện và nâng cao.
Theo Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045  của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định: “Xây dựng, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á”; “Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, trung tâm phát triển của toàn vùng; chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh trong khu vực; đi đầu về công nghiệp công nghệ cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo…. Nghiên cứu khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển khu vực Thủ Đức, Cần Giờ trở thành động lực tăng trưởng mới cho Thành phố Hồ Chí Minh...”.
Để đạt được các mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết nêu trên, đòi hỏi phải có một Nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 với những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội tạo điều kiện cho Thành phố Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình, cụ thể như: (1) Tiếp tục mở rộng cơ chế phân cấp, ủy quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho Thành phố Hồ Chí Minh trong một số lĩnh vực như: quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội; quản lý nhà, đất và hạ tầng kỹ thuật - xã hội đô thị; quản lý ngân sách nhà nước; tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Thành phố phát triển theo nguyên tắc chỉ phân cấp, ủy quyền 01 cấp, đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình. (2) Hoàn thiện về tổ chức bộ máy. Được chủ động trong việc quy định chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của đô thị đặc biệt như tại Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần giảm bớt các quy trình, thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Qua đó, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề xuất giao một số thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện như: (1) Quyết định thành lập cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (như: Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở thống nhất một đầu mối quản lý ATTP do hiện nay lĩnh vực này các quy định chuyên ngành chia ra quản lý tại các Sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); một số cơ quan đơn vị thành phố thuộc Thành phố (như Thanh tra xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Thành phố Thủ Đức) mà chưa được quy định trong các quy định chuyên ngành hiện nay. (2) Được chủ động quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập Thành phố đảm bảo sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người dân, phục vụ an sinh xã hội ngày càng tốt hơn.
Với những cơ chế, chính sách tăng cường phân cấp, uỷ quyền, đại biểu kỳ vọng đây sẽ là nguồn lực để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, kết quả thí điểm các nội dung phân cấp, uỷ quyền cho Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện là cơ sở để xem xét nhân rộng và đưa vào quy định pháp luật trong thời gian tới./.

Tác giả: Dương Tường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay4,489
  • Tháng hiện tại134,378
  • Tổng lượt truy cập9,213,394
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây