Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi). Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Viễn thông hiện hành với các lý do như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ, đồng thời, đại biểu đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đã nêu đầy đủ, toàn diện nhiều vấn đề của dự án luật cần được tiếp tục nghiên cứu.
Để bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin, đại biểu viện dẫn quy định khoản 6, Điều 5 “Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp điểm truy nhập mạng viễn thông và các điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết khác để cơ quan đó thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và bảo đảm an ninh thông tin”, cho rằng việc quy định “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” chưa rõ ràng và không rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp viễn thông trong điều kiện, hoàn cảnh nào có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp viễn thông. Vì vậy, đề nghị quy định rõ “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” hoặc điều kiện, hoàn cảnh cụ thể yêu cầu doanh nghiệp viễn thông phải cung cấp điểm truy nhập mạng viễn thông và các điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết khác, tương tự như quy định tại khoản 5 là “theo quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh quốc gia và tình trạng khẩn cấp” hoặc khoản 7 “trong trường hợp bạo động, bạo loạn, sử dụng dịch vụ viễn thông xâm phạm an ninh quốc gia, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Nhất là trong khi khoản 8, Điều 5 dự thảo luật giao Chính phủ quy định về an ninh thông tin nhưng tại dự thảo nghị định chưa đề cập đến nội dung khoản 6 này.
Đối với quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, tại điểm e, khoản 1, Điều 13 quy định doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng có quyền “thực hiện nhiệm vụ viễn thông công ích do Nhà nước giao”. Đại biểu đề nghị chuyển nội dung này sang khoản 2 quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp hoặc sửa thành “được tham gia thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích do Nhà nước giao”, như quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 13 sẽ phù hợp hơn. Vì nếu là quyền thì doanh nghiệp có thể thực hiện hoặc không thực hiện, trong khi nội dung quy định là thực hiện nhiệm vụ, có nghĩa là phải làm, phải thực hiện.
Việc cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, khoản 2, Điều 22 quy định “Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet theo hình thức không thu cước nhưng có số lượng người sử dụng dịch vụ hoặc phát sinh lưu lượng dịch vụ tại thị trường VN vượt mức ngưỡng phải có biện pháp bảo đảm sự hoạt động ổn định của dịch vụ”, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này. Mặc dù tại dự thảo nghị định đã quy định về 2 biện pháp cụ thể là biện pháp kỹ thuật về phân tán hệ thống máy chủ và biện pháp kỹ thuật về tăng dung lượng hệ thống máy chủ, cùng với các biện pháp khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, quy định như dự thảo luật và dự thảo nghị định vẫn khó khả thi do chất lượng dịch vụ, sự hoạt động ổn định của dịch vụ này phụ thuộc nhiều vào khả năng truy cập Internet do các doanh nghiệp viễn thông cung cấp, do đó đề nghị nghiên cứu quy định lại nội dung này cho phù hợp.
Về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu đề nghị cân nhắc về sự tồn tại của quỹ này. Liên quan đến Quỹ tài chính ngoài ngân sách, năm 2019, sau giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22/10/2019, trong đó bên cạnh những đánh giá tích cực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế, yêu cầu Chính phủ rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra, trùng lặp về nhiệm vụ chi với ngân sách Nhà nước. Đại biểu cho rằng hiệu quả hoạt động của quỹ là rất hạn chế. Chính báo cáo tổng kết thi hành luật của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khẳng định điều này. Trong khi việc duy trì quỹ có nhiều bất cập như đã nêu thì dự thảo luật lại cơ bản kế thừa luật hiện hành, không có sửa đổi nội dung liên quan đến hoạt động của quỹ. Tồn dư quỹ giai đoạn 2016 - 2022 lên đến 5.427 tỷ đồng, do đó cần cân nhắc không tiếp tục duy trì quỹ này để tránh gây lãng phí nguồn lực Nhà nước và nguồn lực của xã hội.
Tác giả: Lê Điệp (Phòng CT ĐBQH)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn