Tham gia ý kiến đối với 2 dự án luật, các đại biểu nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội và sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng, bố cục, nội dung cơ bản của dự án luật. Việc ban hành luật nhằm thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về CAND, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng CAND; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; kịp thời sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về xuất nhập cảnh hiện hành, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.
Đi vào một số vấn đề cụ thể, đóng góp ý kiến đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Đoàn Thị Lê An, Đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ nhất trí cao. Tại khoản 1, Điều 1 của dự thảo quy định về “… sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 6 về thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh”, đại biểu băn khoăn về cụm từ “… số chứng minh nhân dân…”, đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc đưa cụm từ “chứng minh nhân dân” vào dự thảo luật vì hiện nay cơ bản chúng ta đã và đang thực hiện cấp căn cước công dân. Theo báo cáo tổng kết thực hiện việc cấp căn cước công dân đã cấp được hơn 67 triệu căn cước công dân trên tổng số gần 100 triệu dân, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo và khuyến cáo người dân chuyển đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân.
Qua nghiên cứu, theo Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi trình kỳ họp lần này (tại khoản 2, Điều 46 quy định điều khoản chuyển tiếp “Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 30/12/2024…”. Luật Xuất nhập cảnh nếu được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, đại biểu cho rằng như vậy chỉ còn 5 tháng chứng minh nhân dân có hiệu lực, đề nghị Ban soạn thảo rà soát và cân nhắc quy định trên.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung khoản 9 vào sau khoản 8, Điều 15 quy định: “Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc nộp hồ sơ trên môi trường điện tử”. Đại biểu băn khoăn “nộp hồ sơ trên môi trường điện tử” và quy định như trên không rõ ràng về địa chỉ điện tử, cổng thông tin, dẫn đến khó áp dụng khi thực hiện thủ tục, do đó đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn. Về sửa đổi bổ sung Điều 54a quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, cần bổ sung cụm từ “hoặc đồn biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu nơi gần nhất” vào sau cụm từ “cơ quan công an nơi gần nhất” với lý do đảm bảo tính tương thích với Điều ước Quốc tế mà Việt Nam ký kết với Lào, Campuchia và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, đại biểu Trần Hồng Minh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận ý kiến đóng góp của các ĐBQH, những ý kiến rất trách nhiệm, xác đáng và tâm huyết. Các ý kiến thống nhất với nội dung của 2 Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Tác giả: Lê Diệp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn