Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật gồm 13 chương với 196 điều. So với Luật Nhà ở năm 2014, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã tăng hơn 13 điều, trong đó bãi bỏ 7 điều trong luật hiện hành; giữ nguyên 47 điều; sửa đổi, bổ sung 104 điều; bổ sung mới 34 điều; luật hóa từ nghị định 11 điều. Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường. Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan. Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo luật đã luật hóa một số quy định từ Nghị định số 69/2021/NĐ-CP để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật như các trường hợp phá dỡ nhà chung cư; nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư; các hình thức cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư...
Thảo luận ý kiến về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức bày tỏ nhất trí với tờ trình của Chính phủ và nội dung thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng như các ý kiến đại biểu phát biểu góp ý trước đó.
Đại biểu cho rằng, quy định của dự thảo luật hiện tại chưa phù hợp với pháp luật về lưu trú của công dân và không phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, liên quan đến quy định về số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam. Theo đó, cá nhân, người nước ngoài được mua, thuê, nhận, tặng, thừa kế và sở hữu 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư. Theo đại biểu, quy định số lượng như vậy là quá lớn, có thể dẫn đến việc tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài có điều kiện kinh tế đầu cơ, tích tụ nhà ở tại Việt Nam, lũng loạn thị trường về giá trong khi người Việt Nam thực sự có nhu cầu khó tiếp cận nhà ở. Để đảm bảo phù hợp hơn, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách quyền sở hữu, số lượng sở hữu của nhà thầu, của tổ chức, số lượng sở hữu nhà của cá nhân vì nhu cầu của tổ chức và cá nhân khác nhau. Đối với cá nhân, cần phải đánh giá, xem xét nhu cầu thực sự.
Nội dung quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (Điều 73), đại biểu cho rằng đây là vấn đề được rất nhiều người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm. Việc phân chia các đối tượng được hỗ trợ về nhà ở tại Điều 73 dự thảo luật chưa thật sự phù hợp khi có quá nhiều đối tượng được liệt kê và một số đối tượng có sự tương đồng như: đối tượng “hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn” (khoản 2); “hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu” (khoản 3); đối tượng “hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị” (khoản 4) và “người thu nhập thấp tại khu vực đô thị” (khoản 5)...
Qua đó, đề nghị với những đối tượng có điểm tương đồng như đã nêu chỉ quy về một loại đối tượng, ví dụ, người có thu nhập dưới ngưỡng bao nhiêu ở đô thị và dưới ngưỡng bao nhiêu ở nông thôn so với mức thu nhập trung bình. Và đề nghị bổ sung đối tượng được hỗ trợ về nhà ở là người đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi có hoàn cảnh khó khăn.
Tác giả: Dương Tường
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn