Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

Thứ năm - 25/05/2023 09:10
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 24/5, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể tại hội trường về Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự (PTDS). Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại Hội trường
Đại biểu Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại Hội trường
Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc ban hành Luật PTDS là cần thiết nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai… Việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động PTDS, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Dự thảo luật trình tại Kỳ họp thứ 5 sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện có 7 chương, 57 điều (so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 được bổ sung 4 điều, bỏ 15 điều và chỉnh sửa nội dung, kỹ thuật lập pháp ở 46 điều, sắp xếp, bố cục lại một số điều trong các chương). Chính phủ có văn bản nhất trí với dự thảo luật đã được chỉnh lý và nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật.
Phát biểu góp ý đối với Dự thảo Luật PTDS, đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An cho rằng, tại khoản 4, Điều 2 quy định “Đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, nâng độ tuổi phụ nữ nuôi con “dưới 12 tháng tuổi” lên “36 tháng tuổi”, để mở rộng thêm đối tượng dễ bị tổn thương, sửa thành “hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi” vì ở độ tuổi này trẻ em vẫn cần được chăm sóc, người nuôi con ở giai đoạn này chịu tác động, bất lợi hơn từ các sự cố, thảm họa so với nhóm đối tượng khác.
Tại điểm c, khoản 2, Điều 31 quy định “Tổ chức, cá nhân vận động đóng góp tự nguyện thực hiện theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm phối hợp với UBND nơi được hỗ trợ để thực hiện cứu trợ, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra”, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung biện pháp quản lý, sử dụng nguồn thu do tổ chức, cá nhân vận động được để phòng ngừa tiêu cực.
Quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức (Điều 38), cần nghiên cứu bổ sung nghĩa vụ và trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả đối với các tổ chức, doanh nghiệp gây ra sự cố, thảm họa trong quá trình hoạt động như: trách nhiệm bồi thường, khắc phục sự cố về xử lý chất thải trong quá trình hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp...
Về quy định “Quỹ PTDS” (Điều 41), cần chọn phương án 1 như dự thảo đề xuất, xuất phát từ những lý do sau: Hoạt động PTDS có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia nhằm bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc, được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước không đáp ứng kịp thời, trong khi yêu cầu tài lực khi có thảm họa, sự cố xảy ra là rất lớn, cấp thiết và rất khẩn trương để góp phần hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thảm họa, sự cố.
Hiện nay, có nhiều dạng sự cố, thảm họa nếu xảy ra thì không có nguồn tài chính để thực hiện việc ứng phó, khắc phục hậu quả, như vậy chưa bảo đảm thực hiện nguyên tắc “PTDS phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; chủ động ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh”. Thực tiễn cho thấy nếu có Quỹ PTDS sẽ có ngay nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra, như: công tác huy động nguồn lực từ người dân, kiều bào hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam năm 2020 - 2021, công tác hỗ trợ khẩn cấp tại Thổ Nhĩ Kỳ của Chính phủ Việt Nam đầu năm 2023...

Tác giả: Dương Tường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay2,105
  • Tháng hiện tại134,745
  • Tổng lượt truy cập9,213,761
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây