Huyện Thạch An là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước. Hai năm qua, huyện Thạch An đã tích cực triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023, thực hiện lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên cùng địa bàn.
Nguồn lực thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Thạch An dự kiến là gần 741,1 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 và 2023, huyện được giao trên 375,7 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân năm 2022 đạt 66%, năm 2023 đạt 19,2%. Huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí, 3 xã đạt 9 tiêu chí, không có xã nào dưới 9 tiêu chí. Có gần 4.400 hộ nghèo, cận nghèo, tỷ lệ nghèo chiếm gần 55%. Có 81/95 thôn, 13/14 xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, năm 2023, huyện được giao tổng nguồn vốn trên 155,4 tỷ đồng, trong đó, giải ngân gần 44% vốn đầu tư.
Huyện kiến nghị: Quốc hội xem xét phân bổ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để huyện tiếp tục đầu tư cho các tiêu chí không đạt; phân bổ kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới; xem xét chế độ chính sách về bảo hiểm y tế đối với người dân tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới; tăng mức hỗ trợ đối với người tham gia học nghề dưới 3 tháng; xem xét hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; bổ sung đối tượng dân tộc thiểu số sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách như đối tượng hộ nghèo, cận nghèo…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của huyện Thạch An. Đề nghị huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng; tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo, ban quản lý, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo kịp thời. Cần có các biện pháp quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, tránh tình trạng triển khai sai đối tượng, nhầm địa bàn, tránh lãng phí. Ưu tiên tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở. Lưu ý khi triển khai các dự án, tiểu dự án cần bám sát các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành. Những vấn đề phát sinh trong thực tế chưa có hướng dẫn cần báo cáo để có hướng xử lý kịp thời.
Tác giả: Kim Dung
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn