Dưới sự lãnh đạo sát sao của Trung ương, của Tỉnh ủy, sự đồng hành và giám sát hiệu quả của HĐND tỉnh; với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp, sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, kịp thời, linh hoạt. Nhờ đó, tình hình KT - XH 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh được duy trì ổn định, tăng trưởng và đạt những kết quả quan trọng, tạo đà để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh 6 tháng ước tăng 3,29%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 2,29%. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện hiệu quả, có 12,2% tổng số xã trên toàn tỉnh đạt 19 tiêu chí; bình quân toàn tỉnh đạt 10,19 tiêu chí/xã. Thương mại, dịch vụ, du lịch đạt mức tăng cao: tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 56,3% kế hoạch (KH), tăng 32,8%so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 34,45% về số lượt xe và tăng 144,55% về lượt hành khách so với cùng kỳ năm trước; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt 331,544 triệu USD, đạt 52% KH. Tổng lượt khách du lịch đến Cao Bằng đạt 71,7% KH, tăng 127%; tổng thu du lịch ước đạt 71,3% KH, tăng 280% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 962,5 tỷ đồng, bằng 41% dự toán Trung ương giao, bằng 34% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 38% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng chi ngân sách địa phương trên 3.250 tỷ đồng, so với dự toán Trung ương giao đạt 25,1%; so với dự toán HĐND giao đạt 24,5%; so với cùng kỳ năm trước bằng 116,1%. Giải ngân vốn đầu tư công được 1.034,8 tỷ đồng, bằng 23,18% tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã giao và nguồn vốn đầu tư công kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023; trong đó giải ngân KH vốn năm 2023: 597,807 tỷ đồng, bằng 20,92% KH, tăng 1,12% so với cùng kỳ năm 2022. Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nguồn vốn tín dụng tăng trưởng 6,6%; tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,08% trong tổng dư nợ. 6 tháng đầu năm, thành lập mới 60 doanh nghiệp, đạt 35,5% KH, bằng 64% so với cùng kỳ; tổng số vốn đăng ký 576 tỷ đồng, tăng 32,4% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 20%; số doanh nghiệp thông báo giải thể tự nguyện giảm12%. Thành lập mới 8 hợp tác xã, bằng 53,3% KH.
Văn hóa, xã hội thường xuyên được quan tâm thực hiện và có nhiều tiến bộ, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế; chất lượng cuộc sống của Nhân dân. An ninh quốc phòng được giữ vững.
* Bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH trong 6 tháng đầu năm còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn đó là: Tăng trưởng GRDP đạt thấp hơn 3,06% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 0,43% so với bình quân chung của cả nước. Năng lực tài chính của doanh nghiệp đã suy giảm (thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 vốn đầu tư của dân cư và tư nhân giảm 36,94% so với cùng kỳ năm trước), nay lại chịu tác động bởi nhiều yếu tố mới (như: lãi suất ngân hàng cao, chi phí đầu vào sản xuất tăng do giá nhiều loại nguyên vật liệu tăng, năng lượng thiếu hụt...) nên càng khó khăn hơn. Thời tiết khô hạn khiến diện tích nhiều loại cây trồng giảm so với cùng kỳ năm trước và có trên 9.000 ha các loại cây đã gieo trồng bị suy giảm khả năng sinh trưởng và ảnh hưởng đến năng suất. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3,22% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành sản xuất và phân phối điện giảm 39,97; số sản lượng điện giảm 77,82%,... Thu ngân sách đạt thấp so với dự toán được giao (đạt 34%) và giảm 62% so với cùng kỳ năm trước...Giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 mặc dù cao hơn 1,12% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng thấp hơn 9,57 điểm phần trăm so với tỷ lệ trung bình của cả nước. Các chỉ số về: cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mặc dù được cải thiện về điểm số nhưng mức độ cải thiện thấp hơn so với các tỉnh, thành phố trong nước; Tình trạng thiếu hụt giáo viên vẫn xảy ra cục bộ tại một số địa bàn, do nguồn thí sinh dự tuyển đầu vào đủ điều kiện theo quy định của Trung ương còn thiếu; an ninh trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là các hoạt động về buôn lậu, buôn bán hàng cấm, vi phạm Luật Lâm nghiệp...
Dự báo 6 tháng cuối năm, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh ta tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. UBND tỉnh xác định, tiếp tục phát huy tính chủ động, quyết tâm, quyết liệt, chỉ đạo, điều hành phấn đấu hoàn thành 17/17 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT - XH năm 2023, trọng tâm là: Khôi phục và thúc đẩy phát triển trên mọi lĩnh vực kinh tế, trọng tâm là các trụ cột tăng trưởng kinh tế (gồm: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm). Trong đó tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao tổng sản phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và thực hiện có hiệu quả nội dung đột phá về nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến giai đoạn 2022 - 2025. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, kêu gọi mọi nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch, giao thông, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh và khắc phục những điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, sự thiếu đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương,...Quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp sở, ngành và huyện, Thành phố. Thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT - XH tỉnh. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng thu và kiểm soát chặt chẽ các nội dung chi ngân sách. Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức bộ máy nhà nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, không đùn đẩy, thoái thác, né tránh trách nhiệm được các cấp ủy, chính quyền địa phương giao. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, ban hành, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.