Khắc phục tình trạng thiếu vật liệu xây dựng thông thường
Phó Giám đốc phụ trách sở Tài nguyên và Môi trường thừa nhận hiện nay công suất khai thác vật liệu xây dựng của các mỏ đã được cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đang có hiệu lực), sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng đến năm 2025 (đá đáp ứng được khoảng 73%, cát sỏi đáp ứng được 39%, đất san lấp đáp ứng được 6%). Tâp trung nhiều ở khu vực miền Tây của tỉnh, tập trung chính tại các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm có thiếu cục bộ về vật liệu phục vụ thi công công trình trên địa bàn huyện.
Phân tích nguyên nhân việc tính toán nhu cầu vật liệu trên địa bàn chưa kịp thời, chưa chủ động trong công tác chuẩn bị vật liệu xây dựng; việc giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn, vướng mắc như thủ tục về đất đai (nhà đầu tư tự thoả thuận đề bù, chuyển nhượng, góp vốn, giải phóng mặt bằng...), quy trình thẩm định nhiều bước, nhiều thủ tục theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo ngành cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm Để xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng nêu trên trách nhiệm có phần nào thuộc về các cơ quan tham mưu quản lý vật liệu xây dựng, các cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường, quy trình thủ tục phức tạp, nhiều nội dung; các chủ đầu tư chưa chủ động xác định nguồn nguyên liệu, dự báo nhu cầu sử dụng để có kế hoạch phù hợp, linh hoạt.
Về Giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường: thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 16/17 thủ tục tối thiểu là 20% so với công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Khuyến khích, vận động các nhà đầu tư lắp đặt dây chuyền công nghệ chế biến cát nhân tạo (cát nghiền) từ đá vôi để thay thế cát tự nhiên (do trên địa bàn một số huyện không có cát tự nhiên, phải vận chuyển xa làm tăng chi phí), công suất tối thiểu của một cơ sở sản xuất cát nhân tạo không nhỏ hơn 50.000 m3/năm. Đối với những dự án đang hoạt động khai thác đá hoặc đang đầu tư xây dựng, khuyến khích đầu tư dây chuyền khai thác, chế biến đá xây dựng sử dụng công nghệ tiên tiến, công suất lớn (từ 50.000 m3 đá nguyên khối/năm trở lên).
Khắc phục khó khăn, tăng cường tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Cùng với sự khó khăn, bất cập của việc thiếu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, Vấn đề giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai từ lâu đã là nỗi bức xúc của người dân vì thời gian giải quyết quá dài, nhiều thủ tục. Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ nguyên nhân đó là tình trạng thiếu nhân lực (Văn phòng đăng ký đất đai được giao 59 biên chế), nguồn nhân lực chỉ đáp ứng được 50% để thực hiện nhiệm vụ tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và chi nhánh các huyện, thành phố thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, thiếu trang thiết bị chuyên dùng (07 huyện chưa được trang thiết bị chuyên dùng); Trụ sở văn phòng, kho lưu trữ; phòng làm việc được bố trí ở nhờ, ở chung với các phòng ban chuyên môn của UBND huyện nên rất chật hẹp, kho lưu trữ tài liệu được bố trí tạm chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định…
Mặc dù còn rất khó khăn, nhưng trách nhiệm trước cử tri, trước nhân dân lãnh đạo sở Tài nguyên và Môi trường đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn và đề ra giải pháp để cải thiện vấn đề này trong thời gian tới cụ thể: Văn Phòng đăng ký đất đai được xác định là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên nhóm 3 - mức tự đảm bảo từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên. Căn cứ nguồn thu hoạt động sự nghiệp, căn cứ vị trí việc làm và khối lượng công việc thực tế tại từng vị trí việc làm của Văn phòng Đăng ký đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường để xác định số lượng người làm việc và tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định (qua Sở Nội vụ). Lập dự toán chi tiết trình UBND tỉnh (qua Sở Tài chính tổng hợp) xem xét bố trí kinh phí để Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh đủ trang thiết bị tối thiểu để hoạt động vận hành cơ sở dữ liệu đất đai kết nối được với cơ sở dữ liệu Quốc gia theo lộ trình đến năm 2025. Đề nghị UBND các huyện tiếp tục quan tâm bố trí trụ sở làm việc cho các Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh, đặc biệt là kho lưu trữ tài liệu phải đảm bảo được an toàn phòng chống cháy, nổ, mưa lũ… Vì hồ sơ, tài liệu có liên quan đến đất đai hầu như lưu trữ vĩnh viễn.