Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận sôi nổi tại các Tổ

Thứ tư - 12/07/2023 05:09
Chiều ngày 12/7, trong khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh tiến hành phiên thảo luận tại tổ. Các đại biểu đã chia thành 3 tổ, tập trung thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, trọng tâm vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết.
Đại biểu Đỗ Văn Thắng, phát biểu ý kiến tại Tổ 3
Đại biểu Đỗ Văn Thắng, phát biểu ý kiến tại Tổ 3
Tại buổi thảo luận, đã có 43/48 đại biểu phát biểu với 139 lượt ý kiến, trong đó có 115 lượt ý kiến về các báo cáo, 24 lượt ý kiến về các nghị quyết. Không khí thảo luận tại các tổ sôi nổi, nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn, tập trung, có tính xây dựng cao.

Chỉ rõ những hạn chế

Trong không khí thảo luận sôi nổi, các đại biểu HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan trình kỳ họp. Đa số đại biểu nhận định Báo cáo tình hình thực hiện các mục tiêu KT - XH 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 đánh giá cơ bản đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực. Năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, song dưới sự lãnh đạo tập trung, sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự ủng hộ, đồng tình của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo điều hành, quyết liệt, sáng tạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện của các cấp, ngành, các địa phương, KT - XH của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt được những kết quả đáng phấn khởi, đa số các trụ cột nền kinh tế đều có sự tăng trưởng so với năm 2022. Tuy nhiên, báo cáo cần bổ sung, làm rõ, đúng, trúng hơn, mạnh dạn nhìn nhận những hạn chế, nguyên nhân tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; đưa ra các giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực, vấn đề để triển khai phương hướng, nhiệm vụ cuối năm.

Đại biểu Nông Thanh Tùng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Hòa An cho rằng: Lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đánh giá về diện tích gieo trồng không thống nhất. Vì chịu ảnh hưởng bởi thời tiết hạn hán, nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại, cụ thể: diện tích lúa bị thiệt hại là 284,72 ha (chiếm 10% tổng diện tích gieo trồng); hoa màu bị thiệt hại hơn 5000 ha (chiếm 8% tổng diện tích). Đại biểu đề nghị đánh giá lại kết quả đạt được của lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 và khả năng đạt được của cả năm.

Đại biểu Hoàng Thị Bình, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Quảng Hòa đưa ra ý kiến: Hiện nay, tỉnh ta có nhiều sản phẩm đạt OCOP (đạt 3 đến 5 sao) tuy nhiên, chưa có sản phẩm OCOP có sản lượng tiêu thụ lớn. Đề nghị cần có chính sách hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ, để các sản phẩm đạt OCOP có thể sản xuất sản lượng lớn. Đề nghị UBND tỉnh cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm. Nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP; thử nghiệm mô hình tuyến phố OCOP. Xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu, bán sản phẩm OCOP riêng và đặc trưng gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh làm quà tặng, quà biếu trong các hoạt động giao lưu, đối ngoại. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp, đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.

Ngoài ra đại biểu cho rằng Đề án Nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng đến nay một số nội dung không còn phù hợp tình hình thực tế, đề nghị UBND tỉnh xem xét, rà soát, điều chỉnh lại cho phù hợp? Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh Cao Bằng: Tiến độ triển khai, thực hiện chậm, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Tập đoàn TH Truemilk công khai tiến độ triển khai thực hiện dự án để cử tri và nhân dân được biết và khẩn trương thi công dự án đảm bảo đúng tiến độ.

Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, các đại biểu chỉ rõ: (1) Việc triển khai các dự án đô thị trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, huyện Trùng Khánh dự định phát triển 3 khu dân cư, đã kêu gọi các nhà đầu tư tuy nhiên chưa triển khai được. Vấn đề này cũng chưa được nêu cụ thể trong báo cáo. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo nội dung nêu trên.(2) Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, ước 6 tháng năm 2023 giải ngân vốn đầu tư công (so với số vốn đã giao) được 403,819/2.831,169 tỷ đồng, bằng 14,3% kế hoạch. Đề nghị UBND tỉnh đánh giá bổ sung các tỷ lệ tiến độ giải ngân tổng vốn đầu tư công năm 2023 theo tổng số vốn đã giao, số vốn theo ngân sách Trung ương, số vốn theo Nghị quyết HĐND tỉnh; so sánh với mức trung bình của cả nước. Đồng thời, cần đánh giá rõ nguyên nhân kết quả đạt thấp; có giải pháp quyết liệt, cụ thể hơn đối với từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực trong quá trình đôn đốc, thực hiện. Nghiêm túc đánh giá trách nhiệm và có biện pháp xử lý đối với các chủ đầu tư công trình, dự án có tiến độ giải ngân chậm. (3) Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia chậm và đạt thấp. Đề nghị UBND tỉnh phân tích, đánh giá, làm rõ mỗi nhóm nguyên nhân có bao nhiêu dự án vướng mắc? Tỷ trọng của từng nhóm nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 đạt thấp. (4) Vốn thực hiện dự án đường cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) chiếm tỷ trọng vốn lớn trong tổng kế hoạch đầu tư công 2023, nhưng chưa đủ điều kiện phân bổ chi tiết. Đề nghị UBND tỉnh báo cáo thêm: nếu dự án đủ điều kiện phân bố vốn trong 6 tháng cuối năm 2023 thì ước thực hiện giải ngân được bao nhiêu %? Cần có phương án tính toán, phương án dự phòng giải ngân vốn của dự án...(5) Hiện nay, các địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng của các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành hướng dẫn cụ thể việc chi cho công tác giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia...

Đối với lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch các đại biểu có ý kiến như sau:(1) Đề nghị UBND tỉnh đánh giá thêm vấn đề về thiếu giáo viên đặc biệt là giáo viên tiếng Anh, việc đầu tư cơ sở vật chất trường học; nguồn nhân lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất còn thiếu và vấn đề đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. (2) Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời rà soát, trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử trên địa bàn (đặc biệt đối với các di tích xuống cấp chưa được tôn tạo, sửa chữa); lập quy hoạch chi tiết khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó; có phương án bố trí khu tái định cư để ổn định cuộc sống cho nhân dân.(3) Chương trình phát triển du lịch còn nhiều bất cập: Thiếu cán bộ phụ trách; công tác hướng diễn triển khai thực hiện chậm; vướng mắc trong công tác quản lý...Đề nghị quan tâm chỉ đạo, có giải pháp thực hiện có hiệu quả; bổ sung biên chế cho Ban quản lý khu du lịch thác Bản Giốc để đáp ứng nhu cầu chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.(4) Lĩnh vực dịch vụ- du lịch: Trên địa bàn tỉnh có nhiều địa điểm danh lam, thắm cảnh nhưng chất lượng quản lý khai thác các địa điểm này còn chưa tốt (đường vào động Ngườm Ngao: vệ sinh môi trường bẩn, cảnh quan: các loại cây cỏ, hoa… phát triển tự nhiên, không có quy hoạch; làng nghề làm Hương - sản phẩm phục vụ hoạt động tâm linh nhưng được sản xuất ở dưới gầm sàn nhà, gần phân trâu, bò), còn có những điểm du lịch tự phát, chậm đầu tư, đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng phát triển du lịch. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn; đánh giá đầy đủ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác phát triển du lịch...

Trên lĩnh vực Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội các đại biểu chỉ rõ: (1) Việc đưa công an chính quy về xã, thị trấn theo Đề án của Bộ công an trong những năm qua rất kịp thời và phù hợp với thực tiễn, theo đó mỗi xã, thị trấn đã được bố trí từ 5-6 công an chính quy. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, đặc biệt là đối với các xã có địa bàn rộng, xã sáp nhập, địa bàn thị trấn, đề nghị cơ quan chuyên môn nghiên cứu và xem xét tham mưu tăng thêm biên chế từ 5-8 biên chế công an chính quy/xã, thị trấn.(2) Trong 6 tháng đầu năm 2023, tội phạm về trật tự an toàn xã hội tăng, đáng chú ý tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng tăng, chiếm 12,9% và tăng 83% so với cùng kỳ. Trong đó, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi có 08 vụ/08 bị can; Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi có 02 vụ/02 bị can gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của trẻ em trong đời sống xã hội, báo hiệu sự suy thoái, xuống cấp của đạo đức xã hội. Đề nghị các cơ quan chuyên môn cho biết có những biện pháp, giải pháp gì để giải quyết vấn đề nêu trên.(3) Tại phần đánh giá hạn chế và tồn tại, nguyên nhân chủ quan có nội dung “một bộ phận người dân thiếu việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh covid 19 và có cuộc sống khó khăn đã phát sinh những hành động vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội”, tuy nhiên, phần đánh giá kết quả thực hiện của công tác quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, số liệu về các vụ án hình sự so với cùng kỳ giảm, tăng chủ yếu là vi phạm về kinh tế, tham nhũng, lạm dụng chức vụ và môi trường… Đề nghị cần đánh giá lại giữa kết quả thực hiện và hạn chế, nguyên nhân tồn tại.

Ngoài ra, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về kết quả giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri và ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh trong và sau Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh, khóa XVII; trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2023) HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026; báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023; đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh; kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2022 của HĐND tỉnh; tình hình tổ chức và kết quả hoạt động của HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm…

Đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo nghị quyết

Góp ý dự thảo nghị quyết về ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ công chức, viên chức có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2023 – 2026, đại biểu Đỗ Văn Thắng có ý kiến: Đề nghị UBND tỉnh làm rõ hơn: sẽ có bao nhiêu cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng của chính sách này? Dự kiến chi hết bao nhiêu ngân sách? Ngân sách tỉnh có đáp ứng được không? Tránh trường hợp ban hành ra Nghị quyết mà chưa có tiền thực hiện ngay sau khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành, như Nghị quyết hỗ trợ cải tạo, xây mới nhà văn hóa tổ, xóm. Nghị quyết này có sự khác biệt và ưu việt hơn gì so với Nghị định 29/2023/NĐ-CP (vì sẽ có trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có thể áp dụng Nghị quyết của Tỉnh hoặc Nghị định của Chính phủ).

Ngoài ra, một số đại biểu có ý kiến về dự thảo Nghị quyết này như sau: (1) Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy tổng mức hộ trợ quy định các mức cụ thể. Tuy nhiên, Dự thảo nghị quyết cần xem xét lại định mức quy định như vậy đã hợp lý hay chưa? có đảm bảo tính khích lệ, động viên đối với cán bộ công chức,viên chức có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc trên địa bàn tỉnh hay ko? (2) Đối với dự thảo nghị quyết, cần bổ sung và quy định rõ tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động để được hưởng các mức theo quy định của Nghị quyết.(3) Tại khoản 4, Điều 2 của Quy định kèm theo dự thảo Nghị quyết đang quy định: "Trưởng các đoàn thể cấp xã: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân". Đề nghị sửa thành "Trưởng các đoàn thể cấp xã". (4) Đề nghị nghiên cứu, xem xét bỏ cụm từ "có nguyện vọng" tại tên của Dự thảo Nghị quyết vì nội dung tại Quy định kèm theo dự thảo Nghị quyết đã quy định cụ thể điều kiện hỗ trợ, trong đó phải có "đơn tự nguyện", ngoài ra còn có các điều kiện khác. Vì vậy không nhất thiết để cụm từ "có nguyện vọng" tại tên của Nghị quyết. (5) Tại Điều 8 của Quy định được ban hành kèm theo dự thảo Nghị quyết quy định: tổng mức hỗ trợ tối đã theo từng loại đối tượng, qua rà soát, việc thực hiện chính sách theo quy định tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế,  tổng mức hỗ trợ đối với các vị trí tương đương đã thực hiện không có chênh lệch hoặc rất ít, thẩm chí tổng mức tại dự thảo Nghị quyết ít hơn so với thực tế đã thực hiện, do đó không nhất thiết quy định tổng mức theo từng đối tượng.

Đối với Nghị quyết quy định một số khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 03 ý kiến đóng góp của địa biểu: (1) Một số nội dung thu ngoài học phí như: Hoạt động tham quan, trải nghiệm; Tiền ăn trưa; Sử dụng điều hòa trong lớp học; đồng phục học sinh đang quy định là "theo thỏa thuận", đề nghị UBND tỉnh rà soát, xem xét cụm từ "theo thỏa thuận" để làm rõ nội dung Nghị quyết (do cụm từ này có thể hiểu là thỏa thuận giữa ban giám hiệu nhà trường với phụ huynh học sinh hoặc giữa tổ chức, doanh nghiệp với nhà trường, với phụ huynh học sinh).(2) Căn cứ ban hành Nghị quyết có Nghị định 81/2021/NĐ- CP của Chính phủ về quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (Nghị định 81). Tuy nhiên, qua nghiên cứu thì có dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về mức thu học phí năm học 2023- 2024 qua thẩm tra chưa nhất trí ban hành do Nghị định 81 đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Đề nghị xem xét lại việc ban hành Nghị quyết quy định một số khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Cao Bằng ở thời điểm hiện nay.(3) Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung báo cáo đánh giá tác động của quy định một số khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng của Nghị quyết này...

Theo đó, một số đại biểu cho biết: Thời gian qua, việc tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, còn xảy ra tình trạng: việc gửi hồ sơ dự thảo Nghị quyết còn chậm so với quy định, nội dung, chất lượng chưa đảm bảo, vấn đề hoãn trình, bổ sung Nghị quyết còn xảy ra nhiều chưa đc cải thiện; một số Nghị quyết ban hành sau một thời gian lại phải sửa đổi, đề nghị UBND tỉnh trong quá trình xây dựng cần rà soát kỹ, đảm bảo về nội dung, hạn chế chỉnh sửa.

Sáng ngày mai (12/7), kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh sẽ tiến hành phiên thảo luận tại hội trường./.

 

Tác giả: Nông Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay3,953
  • Tháng hiện tại137,066
  • Tổng lượt truy cập9,216,082
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây