Quy mô nhỏ, năng lực tiếp cận thị trường hạn chế
Sau 03 năm triển khai thực hiện chương trình, đến nay toàn tỉnh đã có 97 sản phẩm OCOP (9 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao) của 67 chủ thể (22 HTX, 01 THT, 14 Doanh nghiệp, 30 hộ sản xuất kinh doanh), vượt chỉ tiêu so với kế hoạch Đề án. Trong đó, năm 2020, có 24 sản phẩm đạt hạng 3 sao; năm 2021, có 35 sản phẩm OCOP (3 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 32 sản phẩm đạt hạng 3 sao, bao gồm cả các sản phẩm tham gia nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao); năm 2022, có 41 sản phẩm OCOP (6 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 35 sản phẩm đạt hạng 3 sao) nhưng so với một số tỉnh lân cận như Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn (đã triển khai thực hiện từ đầu năm 2019, nguồn lực địa phương, nguồn lực trung ương hô trợ thực hiện Chương trình tương đối lớn) thì tỉnh ta còn bị tụt hậu. Các sản phẩm OCOP kết nối với các siêu thị, điểm dừng nghỉ, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh; tham gia các hội chợ OCOP, hội chợ thương mại; thị trường tiêu thụ; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP còn hạn chế.
Đại biểu Hoàng Thị Bình nêu vấn đề: Từ số liệu phân tích đã nhận định, nhưng so với một số tỉnh lân cận như Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn (đã triển khai thực hiện từ đầu năm 2019, nguồn lực địa phương, nguồn lực trung ương hô trợ thực hiện Chương trình tương đối lớn) thì tỉnh ta còn bị tụt hậu, chưa có sản phẩm OCOP có sản lượng tiêu thụ lớn, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP còn hạn chế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm chưa nhiều. Xây dựng và phát triển mô hình điểm bán hàng OCOP; thử nghiệm mô hình tuyến phố OCOP. Xây dựng hệ thống phân phối, thiết lập hệ thống giới thiệu, bán sản phẩm OCOP riêng và đặc trưng gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh làm quà tặng, quà biếu trong các hoạt động giao lưu, đối ngoại. Phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp chưa có giải pháp hữu hiệu đề nghị lãnh đạo cho biết giải pháp khắc phục.
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở NN và PTNT Nguyễn Thài Hà nhận định: Để phát triển sản phẩm OCOP cần rất nhiều kinh phí hỗ trợ nhưng nguồn lực của tỉnh ta bố trí cho Chương trình còn rất hạn chế, chủ yếu sử dụng ngân sách Trung ương thông qua Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (kinh phí phân bổ chưa đáp ứng nhu cầu, ít nội dung chi); (qua quá trình trao đổi với các siêu thị lớn tại thành phố Cao Bằng, một số sản phẩm OCOP không đáp ứng nguồn cung hoặc nguồn cung không ổn định nên rất khó khăn trong quá trình liên kết tiêu thụ sản phẩm), chưa phát huy tối đa các dòng sản phẩm chủ lực, lợi thế cạnh tranh; nhiều vùng nguyên liệu đã hình thành nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ; một số chủ thể tham gia Chương trình còn bị động, ỷ lại; việc đầu tư nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vẫn còn nhiều hạn chế.
Phát triển sản phẩm OCOP toàn diện
Giám đốc Sở NN và PTNT Nguyễn Thài Hà đưa ra các giải pháp cụ thể trong thời gian tới để phát triển sản phẩm OCOP toàn diện ngành Nông nghiệp cần phải tập trung hướng dẫn các chủ thể OCOP xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nguồn cung ổn định, giúp chủ thể kiểm soát được chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm OCOP bền vững, hiệu quả. Không chạy đua theo số lượng mà cần nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng việc nâng cấp bao bì, mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sản phẩm tiện dụng, nâng cao được giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức…
Mặc dù các nội dung này đã được Giám đốc Sở NN và PTNT trả lời, làm rõ. Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm OCOP ở Cao Bằng hiện đang đặt ra nhiều vấn đề; đặc biệt, dù có nhiều sản phẩm OCOP, song theo ý kiến của nhiều đại biểu HĐND tỉnh thì hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng.