Nguyên Bình là 1 trong 7 huyện nghèo của tỉnh. Thực hiện 3 CTMTQG trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, huyện được phân bổ nguồn ngân sách Trung ương 577,401 tỷ đồng, trong đó, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 325,8112 tỷ đồng, CTMTQG giảm nghèo bền vững 202,779 tỷ đồng, CTMTQG xây dựng nông thôn mới 48,810 tỷ đồng. Vốn đối ứng ứng ngân sách địa phương cả giai đoạn 2021 - 2025 là 43,732 tỷ đồng; nguồn vốn lồng ghép thực hiện các CTMTQG trên 22,622 tỷ đồng.
Qua 2 năm (2021 - 2022) triển khai thực hiện các CTMTQG, huyện huy động mọi nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn đối ứng ngân sách địa phương và huy động sự đóng góp từ nhân dân với tổng vốn thực hiện gần 488 tỷ đồng... Kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đến cuối năm 2022 giảm 533 hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo đạt 6,13%/năm, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ đầu kỳ 57,25% xuống còn 51%; có 1.536 hộ cận nghèo (chiếm 16,68%); dự kiến đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo còn 44,92%. Tạo việc làm mới cho 1.366 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 23,96% năm 2021 lên 25,02% đầu năm 2023.
Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% tuyến đường tỉnh qua địa bàn được cứng hóa, 96,1% tuyến đường huyện được cứng hóa; đầu tư xây mới và cải tạo, sửa chữa 18 công trình mương thủy lợi, 15 nhà văn hóa xóm, 10 công trình nước sinh hoạt, 9 trường học, 4 trạm y tế xã, 1 chợ nông thôn.
Giai đoạn 2016 - 2020, huyện có 2 xã: Minh Tâm, Minh Thanh đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên do sáp nhập địa giới hành chính nên 2 xã trên không còn xã nông thôn mới. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện phấn đấu 5 xã và 30% xóm đạt chuẩn nông thôn mới, song đến nay toàn huyện chưa có xã, xóm đạt nông thôn mới, bình quân toàn huyện đạt 8,46 tiêu chí/xã.
Từ nguồn vốn đầu tư của các chương trình, góp phần đưa hạ tầng cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện và nâng lên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các CTMTQG trên địa bàn huyện còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, khó khăn trong huy động nguồn lực triển khai thực hiện công tác giảm nghèo; nhiều danh mục dự án đầu tư do vướng mắc về thủ tục chuyển đổi đất rừng nên ảnh hương đến kết quả, tiến độ giải ngân; một số đơn vị, địa phương còn lúng túng trong giải ngân nguồn vốn sự nghiệp, tỷ lệ giải ngân đạt thấp; một số văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần của các CTMTQG còn chậm, chồng chéo, chưa chi tiết, cụ thể, gây khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện; đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở trình độ hạn chế, ảnh hưởng lớn đến tổ chức thực hiện các chương trình, dự án...
Huyện kiến nghị: Thủ tướng, các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành nghị định, phân cấp cho tỉnh quyết định việc chuyển mục đích rừng tự nhiên để địa phương sớm triển khai các chương trình, dự án; sớm bố trí vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các hộ đã được phê duyệt trong Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021 - 2025; xem xét, có văn bản hướng dẫn quy định rõ nhóm đối tượng thụ hưởng của Tiểu dự án 1, Dự án 4 CTMTQG giảm nghèo bền vững; xem xét, bố trí vốn cho một số dự án, tiểu dự án, nội dung hỗ trợ trực tiếp theo nhu cầu đăng ký kế hoạch vốn hằng năm của địa phương; điều chỉnh tiêu chí nghèo đa chiều trong thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới; phù hợp với thực tiễn của địa phương; mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo...
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị huyện Nguyên Bình tiếp tục hoàn thiện các báo cáo trên cơ sở tiếp thu đầy đủ ý kiến của đoàn giám sát, trong đó lập danh mục các nội dung còn khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, các kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, các bộ, ngành về từng chương trình, các dự án, tiểu dự án.
Ghi nhận những kết quả đạt được và chia sẻ những khó khăn của huyện trong quá trình triển khai các chương trình, đặc biệt về huy động nguồn lực cũng như vướng mắc về cơ chế, chính sách, đề nghị huyện tiếp tục quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn nữa, phát huy, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả đối với việc triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn. Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, chủ động giữa các cơ quan, đơn vị, sở, ngành liên quan và trong tổ chức triển khai các CTMTQG; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức nhằm huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình, nhất là nguồn vốn sự nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai dự án các chương trình đảm bảo minh bạch, thực chất, hiệu quả bền vững.
Về các kiến nghị của huyện, đoàn ghi nhận, tiếp thu và sẽ có ý kiến với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc, giúp tỉnh đạt được những mục tiêu đề ra, nâng cao tính khả thi, hiệu quả thực hiện các CTMTQG.
Tác giả: Thanh Loan (BCB)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn