Công tác di dân ra khỏi vùng thiên tai: Cần lời giải cho bài toán kinh phí

Thứ ba - 26/07/2022 00:43
Mặc dù đã đạt một số kết quả bước đầu trong sắp xếp, ổn định dân cư nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hộ đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, thiên tai. Nguồn lực đầu tư hạn chế, nhu cầu lớn, thiếu quỹ đất để sắp xếp dân cư… đang là những trở ngại lớn trong công tác sắp xếp, bố trí, quy hoạch dân cư.
Đoàn công tác Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát thực địa địa điểm xây dựng Dự án bố trí ổn định dân cư thiên tai xóm Nặm Dạng, Pò Làng, xã Quang Trọng (Thạch An).
Đoàn công tác Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát thực địa địa điểm xây dựng Dự án bố trí ổn định dân cư thiên tai xóm Nặm Dạng, Pò Làng, xã Quang Trọng (Thạch An).

NHU CẦU LỚN, ĐẦU TƯ NHỎ GIỌT

Căn cứ Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, ngày 14/10/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1563/QĐ-UBND phê duyệt dự án rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Tổng vốn dự kiến 1.039 tỷ 700 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 831 tỷ 760 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 803 tỷ 852 triệu đồng, vốn sự nghiệp 27 tỷ 908 triệu đồng); ngân sách địa phương 51 tỷ 985 triệu đồng; nguồn vốn khác 155 tỷ 955 triệu đồng.

Giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh phân bổ vốn cho các huyện thực hiện bố trí ổn định 340 hộ thuộc đối tượng di dân xen ghép, tổng số tiền hỗ trợ 8 tỷ 840 triệu đồng, trong đó, bố trí ổn định dân cư cho 68 hộ di dân ra biên giới với số tiền 3,4 tỷ đồng (50 triệu đồng/hộ); 272 hộ di dân ra khỏi vùng thiên tai với số tiền 5 tỷ 440 triệu đồng (20 triệu đồng/hộ). Năm 2020, tỉnh chưa được giao vốn từ ngân sách Trung ương nên đang xem xét, cân đối nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ.

Năm 2021, tỉnh đầu tư 3 dự án bố trí dân cư khởi công mới, tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng/dự án gồm: Dự án bố trí dân cư vùng thiên tai xóm Bản Riềng, xã Sơn Lộ và Dự án bố trí dân cư vùng thiên tai xóm Cốc Ngòa, xóm Riền Thượng, xã Hưng Đạo (Bảo Lạc); Dự án bố trí dân cư vùng thiên tai thôn Nặm Dạng, Pò Làng, xã Quang Trọng (Thạch An). Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 144 hộ (trong đó, di dân ra khỏi vùng thiên tai 76 hộ, di dân ra biên giới 68 hộ) nằm trong vùng có nguy cơ bị thiên tai, sạt lở và vùng biên giới có nhu cầu di chuyển ổn định đời sống với tổng số vốn 4 tỷ 920 triệu đồng nhưng chưa được Trung ương giao vốn hỗ trợ thực hiện.

Di dời dân ra khỏi vùng thiên tai đang là “bài toán” khó đối với tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh do quỹ đất hẹp, kinh phí hạn chế cộng với tâm lý không muốn thay đổi chỗ ở, xa họ hàng của người dân. Dự án bố trí ổn định dân cư thiên tai thôn Nặm Dạng, Pò Làng, xã Quang Trọng (Thạch An) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 455/QĐ-UBND ngày 24/3/2021 với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng. Năm 2021, dự án được bố trí 10 tỷ đồng thuộc nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương, UBND huyện Thạch An giải ngân hết số tiền được bố trí 10 tỷ đồng (giá trị xây lắp, chi phí quản lý dự án). Theo quyết định phê duyệt dự án, nguồn vốn bố trí thực hiện trong năm 2021 - 2022, tuy nhiên kế hoạch vốn giao năm 2022 của UBND tỉnh không có danh mục Dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai thôn Nặm Dạng, Pò Làng, xã Quang Trọng.

Dự án bố trí dân cư vùng thiên tai xóm Cốc Ngòa, xóm Riền Thượng, xã Hưng Đạo (Bảo Lạc) trong quá trình thực hiện, một số hộ dân gây cản trở công tác giải phóng mặt bằng, hạng mục san gạt tại vị trí 2 vẫn chưa giải phóng mặt bằng được. Dự án bố trí dân cư vùng thiên tai xóm Bản Riềng, xã Sơn Lộ còn 1 hộ chưa nhất trí di chuyển mộ để trả mặt bằng thi công. Cả 2 dự án với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2 năm (2021 - 2022). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới bố trí được 20 tỷ đồng, số vốn còn lại chưa bố trí được đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch An Nông Thế Phúc, do nguồn vốn hạn hẹp nên dự án di dời dân cư trên địa bàn triển khai chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp, UBND các huyện rà soát thực trạng, đánh giá nguy cơ thiên tai để cảnh báo, hỗ trợ người dân di dời. Nhưng do điều kiện tỉnh nghèo nên chưa hoàn thành công tác di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ.

Từ thực tế trên cho thấy, việc di dân, tái định cư khỏi vùng nguy hiểm cũng như khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh chủ yếu dựa vào nguồn lực ngân sách Nhà nước. Dù Chính phủ đã quan tâm bố trí kinh phí song còn ở mức rất thấp so với yêu cầu, trong khi đó, nguồn lực từ xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác gần như đang “bỏ trống”, chưa thể tận dụng, khai thác.

DI DÂN RA KHỎI VÙNG THIÊN TAI - VIỆC CẦN LÀM NGAY

Nhận thức rõ tính cấp bách và quyết tâm kiềm chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh xác định cùng với việc triển khai công tác giảm nghèo, công tác phòng, chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai, di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục.

6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 đợt rét đậm, rét hại, 7 đợt mưa lớn kèm theo gió lốc, sạt lở đất, đá, ngập úng… gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, tổng thiệt hại trên 36 tỷ đồng. Trong đó, 4 người bị chết do sét đánh, bị nước cuốn trôi và sạt lở đất vùi lấp; 726,31 ha hoa màu bị thiệt hại do gãy đổ, ngập úng; 1.309 vật nuôi bị chết rét, nước cuốn trôi; nhiều tuyến đường bị sạt lở taluy dương với khối lượng 19.738 m3 đất, đá… Trước diễn biến bất thường của thời tiết, để giảm thiểu tối đa thiệt hại và ổn định đời sống cho người dân, tỉnh chú trọng nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, chủ động triển khai các phương án ứng phó với thiên tai.

Tỉnh đôn đốc, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: nâng cao chất lượng, đảm bảo yêu cầu dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai. Tăng cường năng lực chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai từ Trung ương đến cơ sở; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai đảm bảo đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, khốc liệt; tiến hành rà soát, kiểm tra, giám sát toàn bộ công trình phòng, chống thiên tai xung yếu trước mùa mưa lũ để có các giải pháp xử lý kịp thời. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và sinh hoạt cộng đồng tại địa phương. Chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí kinh phí để chủ động thực hiện công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả cao nhất; phấn đấu năm 2022, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra và thấp hơn thiệt hại năm 2021.

Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn nhận định: Di dời người dân ra khỏi vùng thiên tai là nhiệm vụ cấp bách, bắt buộc nhằm giảm thiệt hại do thiên tai, nhất là thiệt hại về người. Do đó, tỉnh cần linh hoạt trong việc lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ di chuyển dân và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chủ động bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và hợp tác với chính quyền trong việc thực hiện tái định cư.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và ổn định đời sống người dân, tỉnh cần thực hiện các dự án di dân tái định cư (ổn định dân cư tập trung) và di dân xen ghép, ổn định tại chỗ tại các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy, ngoài huy động các nguồn lực của địa phương, tỉnh mong muốn được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm bố trí kinh phí phù hợp để hỗ trợ người dân vùng thiên tai.

Tác giả: Nông Huế

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay3,889
  • Tháng hiện tại123,540
  • Tổng lượt truy cập9,202,556
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây