Phát biểu định hướng phiên thảo luận tại tổ, đồng chí Triệu Đình Lê - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị đại biểu tập trung thảo luận đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm như: tiến độ thu ngân sách; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, các sản phẩm OCOP, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường; phát triển giáo dục và đào tạo; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân… đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2022...
Theo đó, các ý kiến phát biểu đã bám sát gợi ý thảo luận của chủ toạ kỳ họp, cơ bản đồng tình và nhất trí với các báo cáo, tờ trình trình tại kỳ họp. Các đại biểu đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đồng thời đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện việc thu ngân sách; đánh giá cụ thể hơn nguyên nhân và giải pháp trong việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; các giải pháp thực hiện quyết liệt đồng bộ cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh...
Để đạt được 17 chỉ tiêu trong năm 2022 theo Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra, các đại biểu cho rằng cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương để thực hiện các chỉ tiêu ngay trong những ngày đầu quý III. Cụ thể đại biểu Hoàng Xuân Ánh, Tổ đại biểu huyện Quảng Hòa cho rằng: Quyết liệt chỉ đạo các giải pháp thúc đẩy KT-XH năm 2022, UBND tỉnh cũng đã tính đến các kịch bản và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế, trong đó tiếp tục tập trung vào các dự án trọng điểm giao thông kết nối vùng, phát triển các vùng kinh tế động lực, các giải pháp thu ngân sách… để đạt được kết quả đòi hỏi các ngành phải có sự chỉ đạo quyết liệt, đột phá hơn nữa của các ngành chức năng trong những tháng cuối năm.
Cũng quan tâm đến những giải pháp nhằm thực hiện các chỉ tiêu KT-XH năm 2022, đại biểu Nông Hải Lưu, Tổ đại biểu huyện Quảng Hòa đề nghị: UBND tỉnh cần thẳng thắn làm rõ nguyên nhân chỉ số PCI giảm sâu so với năm trước, nguyên nhân chủ quan. Trong đó, cần làm rõ vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính đầu tư, đạo đức công vụ…
Về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đại biểu quan tâm việc xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, có liên kết sản xuất chặt chẽ; quan tâm đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn để sản xuất nông nghiệp; giải pháp gỡ khó trong việc tái đàn khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở một số địa phương; quản lý, bình ổn giá vật tư nông nghiệp; tình trạng “nợ tiêu chí” đối với các xã về đích nông thôn mới...
Về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đại biểu tại các tổ cho rằng, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc sử dụng đất sai mục đích; người dân và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các trình tự thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.
Đối với các vấn đề nhóm văn hoá - xã hội, các đại biểu đánh giá hiện nay tỷ lệ tham gia BHYT của tỉnh thấp, chưa đạt so với kế hoạch. Nguyên nhân của thực trạng này là do nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã ra khỏi vùng khó khăn, chính sách hỗ trợ cho đối tượng khu vực này không còn điều này đã làm kéo giảm tỷ lệ bao phủ tỷ BHYT chung của tỉnh. Tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư trang thiết bị hệ thống truyền thanh cơ sở, quản trị các trang tin thông tin điện tử của các cơ quan, địa phương; quan tâm giải pháp tháo gỡ đối với vấn đề thiếu thuốc, vật tư, vật phẩm y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân; giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp...
Đối với các nội dung liên quan đến các tờ trình, dự thảo nghị quyết, các đại biểu cơ bản đồng tình, nhất trí với các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh trình. Bên cạnh đó, các đại biểu đã thẳng thắn phát biểu khẳng định quan điểm của mình đối với các nội dung: việc phân bổ ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa xóm, tổ dân phố; quy định mức thu học phí giáo dục mầm non, phổ thông công lập chương trình giáo dục đại trà và giáo dục thường xuyên năm học 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng...
Bên cạnh những nội dung trọng điểm được các đại biểu tập trung thảo luận sâu, nhiều đại biểu kiến nghị UBND tỉnh cần đổi mới báo cáo giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Qua báo cáo cần thể hiện rõ tỷ lệ giải quyết kiến nghị của cử tri đạt bao nhiêu phần trăm trong tổng số kiến nghị và với những ý kiến, kiến nghị chưa giải quyết cần có lộ trình, thời hạn cụ thể để giải quyết cho nhân dân. Ghi nhận tại phiên thảo luận tổ, có rất nhiều ý kiến xoay quanh các lĩnh vực như chuyển đổi số; công tác cán bộ; xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, quảng bá sản phẩm OCOP; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hệ sinh thái khởi nghiệp; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch cũng như cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn hậu Covid-19; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho ngành Giáo dục…
Những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại kỳ họp là căn cứ quan trọng để HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị nhiều cơ chế, chính sách, qua đó, tạo động lực để Cao Bằng đạt được những mục tiêu đặt ra năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025.
Sáng mai (14/7), Kỳ họp sẽ tiếp tục chương trình với phiên thảo luận tại Hội trường, phiên chất vấn và trả lời chất vấn./.