Với tinh thần làm rõ những vấn đề nóng mà cử tri và nhân dân trong tỉnh đang quan tâm để có biện pháp xử lý hiệu quả trong thời gian sớm nhất, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những nội dung quan trọng tại Kỳ họp, đề nghị các đại biểu đặt câu hỏi ngắn, gọn, đi thẳng vào vấn đề để UBND tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm, không vòng vo, đưa ra được giải pháp căn cơ, tạo được chuyển biến trên thực tế.
Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với tổng số 16 câu hỏi với 9 lĩnh vực y tế, tài chính, văn hóa – xã hội, nông lâm nghiệp, giáo dục.
Mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở Y tế Nông Tuấn Phong đã giải trình nguyên nhân, thực trạng số lượng bác sỹ còn thiếu tại các bệnh viện và đưa ra các giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo nguồn nhân lực y bác sỹ. Về nội dung sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, xóm, tổ dân phố, ông Nông Tuấn Phong cũng cho biết thêm: “Biên chế tối thiểu là 5 biên chế cho 1 trạm y tế xã, phường, thị trấn đối với xã miền núi, hải đảo trên 5.000 dân. Tăng 1.000 dân thì tăng thêm 01 biên chế cho trạm nhưng tối đa không quá 10 biên chế/1 trạm”; tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn, đến nay không có văn bản quy định tồn tại 02 trạm y tế/1 xã nên không thể cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho 02 trạm y tế trên một địa bàn đơn vị hành chính cấp xã, trong quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh không có hướng dẫn việc cấp giấy phép khám bệnh, chữa bệnh cho loại hình có tên làm điểm trạm. Đây là một bất cập, vướng mắc trong thực tế, do đó tại một số đơn vị hành chính cấp xã có sáp nhập vì tổ chức lại trạm y tế đảm bảo việc cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có làm cho một số người dân phải đến trụ sở trạm y tế để tiếp cận dịch vụ y tế có nơi khoảng cách từ nhà dân đến trạm y tế khá xa, vì vậy, đã có phần ảnh hưởng đến cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, đã có nhiều ý kiến của người dân phản ánh về việc này. Sở Y tế rất chia sẻ với nhân dân tại một số đơn vị hành chính có sáp nhập về sự khó khăn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Để giải quyết vướng mắc, Sở Y tế đã chỉ đạo các Trung tâm y tế chỉ đạo trạm y tế phân công viên chức y tế làm việc tại trạm y tế sáp nhập để thực hiện tư vấn sức khỏe, tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn từng bước thích ứng với sự thay đổi đơn vị hành chính”.
Tiếp đó ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trả lời 2 câu hỏi về lĩnh vực về chính sách Hỗ trợ du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, giải pháp thực hiện trong thời gian tới và nội dung thực hiện chuyển đổi số với hoạt động của hệ thống thư viện và lộ trình triển khai dự án được thực hiện trong 2 giai đoạn, từ năm 2022-2030 với tổng số vốn gần 5 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, ông Bế Xuân Tiến đã giải trình trước Kỳ họp về các nhóm giải pháp cải thiện điểm số xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Cao Bằng đứng thứ 63/63 cả nước. Theo đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư đưa ra các giải pháp: tích cực triển khai kế hoạch về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI đã được ban hành; giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả trung tâm dịch vụ hành chính công, bộ phận tiếp nhận và kết quả trả hồ sơ một cửa. Tinh thần chỉ đạo chung là tất cả thủ tục hành chính nên đưa ra trung tâm một cửa để giảm bớt dịch vụ công, giải quyết được rất nhiều vấn đề, nếu chỗ nào xử lý trễ thì sẽ làm rõ trách nhiệm. Đây là một cách cải thiện năng lực cạnh tranh nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác tiếp cận đất đai, công khai minh bạch trình tự tiếp cận đất đai, trình tự thực hiện thủ tục đất đai, công bố quy hoạch sử dụng đất và hỗ trợ tiến độ triển khai dự án trên địa bàn tỉnh đặc biệt là giải phóng mặt bằng.
Về câu hỏi liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Thái Hà đã giải trình 4 câu hỏi. Đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Với những cố gắng, nỗ lực cao của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, sau 10 năm triển khai Chương trình, diện mạo nông thôn mới khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất người dân được nâng cao, nhận thức nông thôn mới được tăng cường. Về cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ các xã về đích nông thôn mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh xem xét, kiến nghị với Trung ương có cơ chế riêng đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới thuộc các huyện miền núi biên giới đặc biệt khó khăn, hoặc có chính sách hỗ trợ khác để các đối tượng không bị thiệt thòi. Với nội dung giai đoạn 2016-2020, tỉnh đề ra mục tiêu 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên kết quả chỉ đạt 17/25 xã, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra 07 nhóm giải pháp để tháo gỡ. Nội dung về các công trình giao thông nông thôn cũng được ông Lưu Công Hữu, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm rõ thêm nội dung này.
Sau khi lắng nghe các ý kiến giải trình chất vấn của các đại biểu, đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến, đồng thời nhận định: Để thực hiện được những điều này trước tiên là trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, nhưng UBND tỉnh mong muốn có sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và nhân dân trong tỉnh, có như vậy chúng ta mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, với những quyết tâm, với truyền thống đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ năm 2022, năm bản lề thực hiện mục tiêu toàn giai đoạn để cuối nhiệm kỳ có thể báo cáo trước Đảng bộ và nhân dân, chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu đã đề ra”.
Do thời gian có hạn, 5 nội dung câu hỏi liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường, giáo dục, tòa án… sẽ trả lời bằng văn bản gửi đến các tổ đại biểu.
Nhìn chung phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm có sự trao đổi tranh luận để làm rõ thêm các vấn đề; các đại biểu thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đặt câu hỏi ngắn ngọn, rõ ràng và bám sát các nhóm vấn đề. Lãnh đạo các đơn vị đã trả lời thẳng thắn về kết quả đạt được, những khó khăn, phức tạp, tồn tại, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn còn nội dung trả lời chất vấn chưa rõ, cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp thiết thực và hiệu quả hơn để triển khai trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Triệu Đình Lê– Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Lãnh đạo UBND tỉnh, giám đốc các sở, ngành chuyên môn đã có nhiều cố gắng, tham mưu thực hiện lĩnh vực phụ trách; đưa ra các giải pháp cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Ghi nhận và đánh giá cao sự tâm huyết, trách nhiệm, cách đặt vấn đề của các đại biểu đối với những vấn đề bức xúc trong xã hội và nhân dân quan tâm; chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị thời gian tới, các ngành, địa phương tiếp tục sát dân, gần dân, lắng nghe các ý kiến kiến nghị của nhân dân, qua đó tuyên truyền, vận động và thực thi đảm bảo; tăng cường công tác phối hợp, cầu thị trong quá trình triển khai thực hiện; không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau...
Ngày mai 15/7, Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ thông qua 21 Nghị quyết quan trọng và bế mạc kỳ họp./.