Giai đoạn 2018 - 2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Nguyên Bình thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, triển khai nhiệm vụ chuyển tải vốn đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Đến nay, huyện có 193 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), 100% tổ được ủy nhiệm thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm của các tổ viên; chất lượng hoạt động của tổ TK&VV ngày càng được nâng lên với 172 tổ xếp loại tốt, chiếm 89,1%; 17 tổ TK&VV hoat động khá, chiếm 8,8%; 4 tổ TK&VV hoạt động trung bình, chiếm 2,1%. Hoạt động của các tổ TK&VV đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn đạt 277,4 tỷ đồng, tăng 73,2 tỷ đồng so với năm 2018, trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương 249,2 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương 3,45 tỷ đồng. Vốn huy động 24,7 tỷ đồng, tăng 1,8 tỷ đồng so với năm 2018 (huy động qua tổ TK&VV 7,1 tỷ đồng; tiền gửi tổ chức, dân cư 17,6 tỷ đồng).
Hiện nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách, đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 274,5 tỷ đồng, tăng 70,5 tỷ đồng so với năm 2018. Tốc độ tăng trưởng bình quân hăng năm đạt 8 - 15%/ năm với 4.756 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác dư nợ. Nợ xấu 288 triệu đồng, chiếm 0,1%/tổng dư nợ, trong đó, nợ quá hạn 246 triệu đồng; nợ khoanh 42 triệu đồng.
5 năm qua, có 7.463 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với doanh số cho vay 355,3 tỷ đồng, trong đó, 3.519 lượt hộ nghèo, 883 lượt hộ cận nghèo, 76 lượt hộ mới thoát nghèo có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh; giúp cho 382 lao động có việc làm ổn định thuộc chương trình cho vay giải quyết việc làm; 1.605 hộ trung bình, khá vay vốn sản xuất, kinh doanh; 92 hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở; 22 lượt học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây dựng 1.594 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường...
Nguồn vốn ủy thác địa phương do UBND huyện chuyển cho Phòng Giao dịch NHCSXH huyện triển khai cho vay 1,4 tỷ đồng. Phòng đã cho vay đạt hiệu quả, các hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, chấp hành đầy đủ các quy định, cam kết đã ký với ngân hàng. Từ nguồn vốn trên, trực tiếp giải quyết nhu cầu về vốn cho cho 2 hộ nghèo đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản, tạo sức kéo và 23 hộ vay tạo việc làm nâng cao thu nhập cho gia đình; giúp trên 10 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.
Huyện kiến nghị: Cần nâng mức cho vay và thời hạn cho vay đối với chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng, kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm; tăng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ từ 10 triệu đồng/công trình lên 20 triệu đồng/công trình; bổ sung chương trình cho vay đối với đối tượng là hộ có mức sống trung bình để phát triển sản xuất, kinh doanh. UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương cho huyện để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay...
Trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn đề nghị huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách xã hội để người dân được tiếp cận nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả. Phòng Giao dịch NHCSXH phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá số hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách; khảo sát thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…
Tác giả: Nông Huế
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn