Giai đoạn 2018 - 2022, Chi nhánh NHCSXH tỉnh triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tín dụng chính sách xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn đạt 3.235 tỷ 761 triệu đồng, tăng 792 tỷ 072 triệu đồng so với năm 2018. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương 2.705 tỷ 964 triệu đồng, tăng 478 tỷ 060 triệu đồng so với năm 2018; nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân 378 tỷ 103 triệu đồng, tăng 221 tỷ 746 triệu đồng so với năm 2018. Tiền gửi của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn 74 tỷ 595 triệu đồng, tăng 31 tỷ 782 triệu đồng so năm 2018. Nguồn vốn ngân sách địa phương 77 tỷ 099 triệu đồng, tăng 60 tỷ 484 triệu đồng so với năm 2018, hoàn thành 242,6% kế hoạch tăng trưởng được giao.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, đến ngày 30/6/2022, dư nợ đạt 133 tỷ 310 triệu đồng, tăng 133 tỷ 310 triệu đồng so với năm 2021, hoàn thành 86,9% kế hoạch tăng trưởng được giao (loại trừ chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP). Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh rà soát nhu cầu của từng đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, chuỗi giá trị, vùng dược liệu quý. Kết quả rà soát cho vay năm 2022 - 2023 là 166 tỷ đồng (năm 2022 là 32 tỷ đồng, năm 2023 là 134 tỷ đồng). Cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg, đến ngày 30/6/2022, dư nợ đạt 1 vay 365 triệu đồng với 10 người sử dụng lao động dư nợ.
Phối hợp với Ủy ban MTTQ, Liên đoàn Lao động tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức “Tuần lễ gửi tiền tiết kiệm, chung tay vì người nghèo” trên địa bàn tỉnh. Số tiền huy động từ ngày 24/5 - 30/6/2022 trên 37 tỷ đồng, trong đó, tại ngày lễ phát động (22/6/2022) huy động được trên 12 tỷ đồng với hơn 1.500 khách hàng tham gia gửi tiền.
Nợ xấu 3 tỷ 207 triệu đồng, chiếm 0,1%/tổng dư nợ, giảm 1 tỷ 067 triệu đồng so với năm 2018, trong đó, nợ quá hạn 2 tỷ 620 triệu đồng, chiếm 0,08%/tổng dư nợ, giảm 850 triệu đồng so với năm 2018; nợ khoanh 587 triệu đồng, chiếm 0,02%/tổng dư nợ, giảm 217 triệu đồng so với năm 2018.
Giai đoạn 2018 - 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 88.811 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay 3.948 tỷ 146 triệu đồng, 20.707 lượt hộ nghèo thoát nghèo; tạo việc làm cho hơn 11.500 lao động; hỗ trợ xây dựng hơn 21.800 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 52 người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng 175 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt người lao động ngoại tỉnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nay trở về địa phương được vay vốn sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, quá trình hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn gặp một số khó khăn như: chất lượng tín dụng và kết quả thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch tín dụng giữa các đơn vị chưa đồng đều; tỷ lệ hoàn thành kế hoạch tăng trưởng chương trình cho vay nhà ở xã hội đạt thấp (30,88%). Nợ quá hạn tăng, lãi tồn chưa thu được 4 tỷ 965 triệu đồng, tăng 1 tỷ 656 triệu đồng so với năm 2021.
Chi nhánh kiến nghị: Đề nghị các bộ, ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn địa phương về xác nhận, tổng hợp, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách cho vay Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 28/2022/NQ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ để kịp thời giải ngân nguồn vốn cho các đối tượng thụ hưởng. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương tổ chức rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn vay của các đối tượng thụ hưởng chính sách cho vay thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ.
Tại buổi giám sát, thành viên đoàn giám sát và NHCSXH tỉnh trao đổi, làm rõ về tỷ lệ hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ đạt thấp; nợ quá hạn, lãi tồn tại một số đơn vị tăng, công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc gửi tiết kiệm qua tổ còn hạn chế…
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn phát biểu tại buổi giám sát. |
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn đề nghị Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, tham mưu với tỉnh tổ chức tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chi nhánh chấp hành đầy đủ các quy định về quản lý hoạt động tín dụng chính sách, thực hiện tốt các quy trình nghiệp vụ. Quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH thực hiện vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách…
Tác giả: Nông Huế
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn