Giai đoạn 2017 - 2021, Công an tỉnh thực hiện 3 cuộc thanh tra theo kế hoạch (không có cuộc thanh tra đột xuất) đối với 12 doanh nghiệp và 26 cơ sở kinh doanh. Đã ban hành kết luận 3 cuộc. Qua thanh tra không có doanh nghiệp vi phạm.
Triển khai 56 cuộc kiểm tra (37 cuộc thường xuyên, theo kế hoạch; 19 cuộc đột xuất) đối với 728 lượt doanh nghiệp. Đã ban hành kết luận 56 cuộc. Qua kiểm tra có 45 doanh nghiệp vi phạm. Ban hành 31 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục đối với 14 doanh nghiệp; thu tiền xử phạt vi phạm hành chính 197,2 triệu đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra có sự phối hợp của các cơ quan liên quan, quy mô chặt chẽ, đúng quy trình và quy định của pháp luật. Các chuyên đề thanh tra sau khi kết thúc được công bố công khai với đối tượng thanh tra theo quy định của pháp luật; các chuyên đề thanh tra chuyên ngành sau khi kết thúc thanh tra đều mở hồ sơ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra đối với đối tượng thanh tra theo quy định. Các kết luận kiểm tra có báo cáo lãnh đạo tỉnh, các cơ quan phối hợp và thông báo công khai cho doanh nghiệp được kiểm tra. Sau các cuộc kiểm tra đối với hoạt động của doanh nghiệp, các đơn vị chức năng có nhiệm vụ tham mưu mở hồ sơ đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Tại buổi giám sát, thành viên đoàn giám sát và Công an tỉnh trao đổi, làm rõ về việc ban hành kế hoạch thanh tra; tỷ lệ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra; lĩnh vực thanh tra, kiểm tra; thời hạn công bố quyết định thanh tra; việc công khai kết luận thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra…
Kết luận giám sát, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nông Văn Tuân đề nghị Công an tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, trong đó, nội dung thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm, các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, vi phạm, như: quản lý an ninh kinh tế, quản lý an ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện… Chủ động nắm tình hình dư luận phản ánh để nghiên cứu, đề xuất và tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ và kết nối thông tin với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để chủ động nắm bắt thông tin phục vụ cho hoạt động thanh, kiểm tra, nhất là trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra, tránh chồng chéo, trùng lặp về nội dung, đối tượng. Nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra đảm bảo tính chính xác, đúng quy định pháp luật và khách quan, kịp thời, nghiêm minh, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi, tránh chậm trễ trong việc ban hành kết luận thanh tra.
Tăng cường công tác kiểm tra sau thanh tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, đảm bảo việc thực hiện kết luận thanh tra được nghiêm túc, kịp thời, đảm bảo kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật. Đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, trong đó cần đánh giá, khảo sát, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực quản lý của ngành và tình hình dư luận, những vấn đề bức xúc trong xã hội đang nổi lên, từ đó xác định rõ vấn đề, nội dung cần tập trung thanh tra, kiểm tra.
Tác giả: Dạ Đăng (BCB)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn