Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, công tác giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh được cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm tổ chức thực hiện. Giai đoạn 2015 - 2020, trên địa bàn tỉnh, triển khai 7 mô hình tại các xã, các huyện có nhiều nguy cơ tỷ lệ TH&HNCHT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, ta và kết hôn trẻ em, cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra.
Thực hiện hiệu quả các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, góp phần nâng cao đời sống, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS; đặc biệt thực hiện Tiểu dự án 2 - giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm giảm thiểu tình trạng TH trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống TH&HNCHT. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là đối tượng là cán bộ, đảng viên; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước…
Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 31.126 cặp kết hôn, trong đó, có 2.092 cặp TH&HNCHT, chiếm 6,72%, cụ thể, có 2.060 cặp tảo hôn, chiếm 6,62%, trong đó, cặp tảo hôn 2 người là 994 cặp, tảo hôn 1 người là 1.069 cặp; độ tuổi tảo hôn thấp nhất với nữ là 14 tuổi, nam là 11 tuổi; xảy ra ở các địa bàn có dân tộc Mông, Dao, Nùng, Tày, Sán Chỉ, Lô Lô; có 35 cặp HNCHT, chiếm 0,11%.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát trao đổi, có ý kiến tập trung vào các vấn đề: Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; huy động sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội; những người có uy tín trong cộng đồng. Cách thức tổ chức chỉ đạo hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện đề án chưa hiệu quả, chưa kiện toàn, bổ sung thường xuyên. Các địa phương cần có sự đánh giá sát thực tế, vì nhiều nhóm đối tượng, dân tộc chưa được đánh giá, đánh giá cụ thể kết quả thực hiện theo từng năm, rà soát lại các số liệu TH&HNCHT, từ đó, đưa ra những giải pháp hữu hiệu trong thực hiện Đề án. Công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, nhiều nhóm đối tượng chưa được tuyên truyền; cần sử dụng kinh phí thực hiện đề án hợp lý, hiệu quả…
Sau khi nghe những ý kiến của các đại biểu, Đoàn giám sát ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của Ban Dân tộc trong việc triển khai Đề án. Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn đề nghị: lãnh đạo Ban Dân tộc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu trong cuộc họp để bổ sung và rút kinh nghiệm. Ban Dân tộc tỉnh tham mưu cho Ban chỉ đạo rà soát và ban hành các văn bản thực hiện đề án theo từng năm; tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt cần có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương; hướng dẫn các huyện sử dụng kinh phí hiệu quả; thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn các xã xây dựng hệ thống dữ liệu, cập nhật thông tin thường xuyên về số cặp hôn nhân trên địa bàn. Tham mưu cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh thường xuyên kiểm tra cấp huyện, xã trong thực hiện đề án, từ đó có những định hướng, giải pháp cụ thể, thiết thực trong thời gian tiếp theo. Đồng thời cần đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền, thực hiện phối hợp lồng ghép tuyên truyền hiệu quả. Tiến hành xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp được chính quyền can thiệp, nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết./.