Tham gia thảo luận tại Tổ 8 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Cao Bằng, Trà Vinh, Cần Thơ và Điện Biên), các ĐBQH tỉnh Cao Bằng đã sôi nổi thảo luận, cơ bản nhất trí với quan điểm chung của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, cũng như các dự thảo luật vì đây thực sự là vấn đề cấp bách, nhằm đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong giai đoạn mới, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể vào nội dung các dự thảo trên.
Góp ý vào dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Lê An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho rằng việc "bố trí kiểm tra, đánh giá" trong giải thích từ ngữ tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 dự thảo luật hiện nay đang giao cho cả cơ quan quản lý, cán bộ, công chức và cơ quan sử dụng cán bộ, công chức thực hiện, để tránh chồng chéo, đại biểu đề nghị xem xét chỉ giao cho một cơ quan thực hiện nội dung này.
Về quyền của cán bộ, công chức được bảo đảm các điều kiện khi thi hành công vụ ở khoản 3 Điều 10 dự thảo có quy định: "được bố trí thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền". Tuy nhiên, ở khoản 2, Điều 12 quy định về quyền của cán bộ, công chức về nghỉ ngơi và các quyền khác, dự thảo cũng tiếp tục quy định: "được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở". Theo đại biểu, cả hai điều trên đều nêu về chính sách nhà ở, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, biên tập gộp quy định trên thành một điều để tránh trùng lặp.
Về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định trường hợp bị tòa án kết án phạt tù kể cả hưởng án treo cũng bị bãi nhiệm hoặc buộc thôi việc, vì theo quy định của Đảng: "Trường hợp Tòa án kết án phạt tù, kể cả hưởng án treo cũng sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng". Đây là hình thức cảnh cáo cao nhất trong kỷ luật của đảng viên, đồng thời thực tế các trường hợp bị Tòa án kết án phạt tù kể cả hưởng án treo, nếu tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn trong việc bố trí, phân công của đơn vị, cá nhân cũng không còn đủ uy tín.
Về các hình thức kỷ luật đối với công chức, có quy định: "Công chức bị Tòa án kết án phạt tù không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng, đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án quyết định có hiệu lực pháp luật. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm". Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định trường hợp bị Tòa án kết án phạt tù kể cả hưởng án treo cũng bị bãi nhiệm hoặc buộc thôi việc.
Đối với các quy định khác liên quan đến cán bộ, công chức bị kỷ luật tại khoản 2, Điều 45, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung cán bộ, công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử không được nâng ngạch công chức, đồng thời đề nghị quy định cụ thể đối với trường hợp khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì có được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc điều động luân chuyển biệt phái, đào tạo bồi dưỡng, nâng ngạch hay không.
Góp ý về hồ sơ và quản lý hồ sơ cán bộ, công chức quy định tại khoản 3, Điều 49 đại biểu Đoàn Cao Bằng đề nghị xem xét bỏ cụm từ "cập nhật dữ liệu cán bộ, công chức khi có thay đổi" bằng cụm từ "xác nhận, phê duyệt và biên tập" theo hướng: "Cơ quan tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý hồ sơ cán bộ, công chức xác nhận, phê duyệt dữ liệu cán bộ, công chức và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức", vì việc cập nhật dữ liệu cán bộ, công chức khi có thay đổi trách nhiệm của cá nhân cán bộ, công chức đã được quy định tại khoản 2 Điều 49, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý hồ sơ cán bộ, công chức chỉ thực hiện việc xác nhận, phê duyệt và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức.
Thảo luận về Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu đề nghị phát huy cao trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã; rà soát, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp. Quy định rõ việc thành lập cơ quan chuyên môn, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã; số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã; Thường trực HĐND cấp tỉnh được quyết định chế độ chi ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Tham gia thảo luận, đại biểu Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, tại Điều 29 điểm b, khoản 2 đã quy định tương đối rõ về hoạt động của Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp xã, Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, HĐND cấp tỉnh có một Phó Chủ tịch HĐND. Còn trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì HĐND cấp tỉnh có 2 Phó Chủ tịch HĐND. Tuy nhiên, HĐND cấp xã có 1 Phó Chủ tịch, dự thảo luật chưa đề cập đến quy định trong trường hợp xã có Chủ tịch HĐND chuyên trách do sắp xếp cán bộ ở một giai đoạn nào đó, quy định hoạt động như thế nào. Có những giai đoạn thực tế đã diễn ra việc Phó Bí thư là Chủ tịch HĐND nhưng có 1 giai đoạn ngắn giao thời Phó Bí thư không tái cử được cấp ủy, vẫn giữ chức Chủ tịch HĐND, lúc đó liên quan đến bộ máy biên chế của cấp xã, trong khi đó lại có Phó Chủ tịch HĐND đang hoạt động chuyên trách, đại biểu đề nghị dự thảo luật nên bổ sung quy định trong trường hợp xã có Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách, quy định cấp phó như thế nào cho phù hợp.
Quy định về các ban HĐND, dự thảo luật có đề cập tên của các ban cụ thể, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên đặt vấn đề định hướng có thể có từ 3 đến 4 ban ở cấp tỉnh, còn cấp xã có thể có từ 2 đến 3 tùy theo quy mô của từng địa phương, nhất là đặc khu. Trong dự thảo luật, khoản 3 Điều 29 chưa đề cập đến HĐND ở đặc khu có thể áp dụng chung với HĐND cấp xã, tuy nhiên, hiện nay mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp ở một số đặc khu như Phú Quốc, có thể có những mô hình khác hơn, thậm chí cấp xã nhưng có thể có Ban Đô thị, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên bổ sung quy định đối với HĐND của đặc khu cho phù hợp.
Tham gia thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Lê An cho rằng, về phân cấp hiện nay trong dự thảo cũng đã có quy định về chủ thể được phân cấp là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nhưng lại không có phân cấp đối với HĐND. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét và bổ sung thêm chủ thể được phân cấp với nội dung: "HĐND tỉnh có thể phân cấp cho HĐND cấp dưới thực hiện liên tục thường xuyên hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật".
Đối với quy định về thẩm quyền ủy quyền để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể, trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp ủy quyền. Đại biểu đề nghị bỏ cụm từ "phân cấp" vì đây là điều quy định về ủy quyền chứ không quy định về phân cấp.