Đề xuất chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ ba - 06/05/2025 23:09
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, sáng 6-5, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa...
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Đề xuất chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, trong hơn 10 năm qua, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật cho thấy còn có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội.

Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 83 điều, tăng 2 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.
Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Điều 9); cần bổ sung quy định để phân biệt với lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu; bổ sung nguyên tắc nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, tránh lạm dụng.

Đồng thời, nhất trí với sự cần thiết và cơ bản thống nhất với nội dung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (từ Điều 20 đến Điều 23) nhưng cần thiết kế mang tính nguyên tắc chung, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tán thành với quy định phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 28) và đề nghị nghiên cứu chỉnh lý theo hướng cần xác định khung tỷ lệ phân chia cụ thể, khuyến khích cơ chế tự thỏa thuận quy định trong hợp đồng và có thể dựa trên tỷ lệ vốn góp.

Về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và nền kinh tế (Chương IV), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, doanh nghiệp là động lực chính thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cung cấp nguồn lực tài chính, nhân lực cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và đưa sản phẩm, công nghệ mới ra thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước. Do đó, cơ bản tán thành các quy định này và đề nghị rà soát việc gắn kết đồng bộ, thống nhất với các quy định về đầu tư, tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hệ sinh thái và phát triển thị trường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để bảo đảm tính khả thi.

Về tài chính cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (Mục 4 Chương V), cần rà soát, bổ sung các quy định để thu hút, khơi thông nguồn vốn đầu tư từ cộng đồng, xã hội và từ khu vực tư nhân. Nghiên cứu, hoàn thiện quy định liên quan đến các quỹ; bổ sung quy định việc kết nối, liên thông, phối hợp, đối ứng giữa các quỹ bộ, ngành, địa phương với Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, tránh manh mún, dàn trải; đề nghị giải trình về tính phù hợp, cơ chế quản lý, nguồn ngân sách chi cho các quỹ, hiệu quả sử dụng khi quy định 5 loại quỹ trong dự thảo Luật.

Về cơ chế quản lý kinh phí, đề nghị cần nghiên cứu quy định về cơ chế rút gọn thủ tục đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trọng điểm...

Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, hệ thống truy xuất nguồn gốc

Theo nội dung sửa đổi, bổ sung các điều, khoản tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa tập trung thể chế hóa thực hiện các chính sách gồm: Đổi mới việc xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Nhằm tiếp thu, nội luật hóa các cam kết quốc tế, bảo đảm sự tương thích giữa quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thuận lợi hóa thương mại.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo Luật, như: Nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro; ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp bối cảnh mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa mậu biên, kinh doanh qua thương mại điện tử.

Nhất là về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đề nghị rà soát quy định về việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất (Khoản 16 Điều 1 dự thảo Luật và Điều 29 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện hành); nghiên cứu, sửa đổi quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa; đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định chế tài cụ thể, đủ mạnh để xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Điều 66 Luật hiện hành)...

Về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu bổ sung một số chính sách như hài hòa tiêu chuẩn, thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, hệ thống truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chuỗi cung ứng; xã hội hóa việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định về công bố hợp chuẩn, hợp quy tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, tạo cơ sở pháp lý để quy định công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và sửa đổi, bổ sung theo hướng: Đơn giản tối đa thủ tục hành chính; chỉ thực hiện đánh giá một lần làm cơ sở cho việc công bố tránh chồng chéo, trùng lặp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc công bố hợp quy, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm tiết kiệm chi phí; bảo đảm thực hiện thống nhất ở các bộ chuyên ngành.

Tác giả: Lê Điệp (CTQH)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập41
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay5,501
  • Tháng hiện tại51,690
  • Tổng lượt truy cập9,895,430
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Khu đô thị mới, phường ĐềThám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng 
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây