Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình tại kỳ họp lần này có 8 chương, 58 điều, quy định nhiều nội dung quan trọng như: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp…
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Bế Minh Đức cho rằng cần quan tâm đối với quy định đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn tại Điều 9, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định số lượng cụ thể cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ tối thiểu bao nhiêu lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số…thì được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn hoặc quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết Điều này để tránh việc chính sách bị lợi dụng.
Mở rộng đối tượng được vay vốn hỗ trợ việc làm với mức lãi suất thấp hơn
Dự thảo Luật quy định nhiều đối tượng được vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng yếu thế, khó khăn, các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động thuộc đối tượng cần được quan tâm về chính sách, việc làm tại Điều 9 dự thảo Luật. Theo đại biểu, qua thực tiễn hơn 4 năm triển khai thực hiện quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 và hơn 3 năm triển khai thực hiện các nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các hộ gia đình được xác định là hộ nghèo và hộ cận nghèo đời sống đều cơ bản như nhau, đều có nhu cầu được tiếp cận về vốn lãi suất thấp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế. Vì vậy, đại biểu Bế Minh Đức kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng “người lao động là người dân tộc thiểu số thuộc hộ cận nghèo” thuộc đối tượng được vay vốn hỗ trợ việc làm với mức lãi suất thấp hơn và quy định cụ thể tại điểm b khoản 2 Điều 9 như sau: “b) Người lao động là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo;”. Theo đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung “người lao động là người dân tộc thiểu số thuộc hộ cận nghèo” được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Điều 10.
Đối với đối tượng yếu thế là người khuyết tật, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng là “người lao động trong hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật nặng; người lao động nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật nặng” được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn.
Đẩy mạnh phát triển kỹ năng nghề hướng tới xây dựng thị trường việc làm có chất lượng
Tại phiên thảo luận, đại biểu nhất trí với các quy định về phát triển kỹ năng nghề tại chương V của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng đây là nội dung quan trọng để hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về việc làm, đẩy mạnh phát triển kỹ năng nghề hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề của khu vực và thế giới, công nhận lẫn nhau, từ đó xây dựng được thị trường việc làm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Góp ý đối với nội dung đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia tại Điều 25 dự thảo Luật, bày tỏ nhất trí việc giao Chính phủ trong việc quy định cơ quan có thẩm quyền, điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; việc công nhận, thừa nhận lẫn nhau về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia giữa Việt Nam với quốc gia khác. Tuy nhiên, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị cần đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Theo chương trình Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 11/6/2025 Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật Việc làm (sửa đổi).