Xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính; bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh khẳng định, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết là cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền và đổi mới công tác xây dựng pháp luật, nhất là Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nêu rõ, dự thảo Nghị quyết được kết cấu thành 12 Điều với phạm vi điều chỉnh là quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.
Về cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định, ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển, nguồn ngân sách không chỉ để bảo đảm chi cho xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật quốc tế mà còn bảo đảm chi cho những lĩnh vực, nội dung quan trọng, thiết yếu, cơ bản của công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và đáp ứng cao nhất yêu của thực tiễn phát triển về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, để xây dựng pháp luật thực sự là “đột phá của đột phá”, đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu quản lý nhà nước, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên mới.
Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế thực hiện khoán chi, trả thù lao, thuê khoán theo từng nhiệm vụ hoặc theo từng hoạt động trong xây dựng pháp luật; gắn với quyền chủ động và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thực hiện nhiệm vụ, hoạt động trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc về áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt, về định mức chi vượt trội quy định tại Nghị quyết và theo quy định của Chính phủ (ít nhất gấp từ 3 lần đến gấp 5 lần so với định mức hiện tại); bảo đảm quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt quy định tại Nghị quyết.
Dự thảo Nghị quyết quy định về Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được nhà nước bảo đảm vốn điều lệ từ nguồn ngân sách 0,5% nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật, được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước.
Về chính sách liên quan đến bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dự thảo Nghị quyết có 02 nội dung cơ bản. Cụ thể, về bảo đảm chế độ hỗ trợ cho nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp) cho người tham gia công tác xây dựng pháp luật. Chế độ này được xây dựng trên nguyên tắc kịp thời thể chế hóa đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm theo đúng tinh thần Nghị quyết 66- NQ/TW, ghi nhận những đối tượng đã rõ, theo hướng chặt chẽ hơn, có sự thống nhất cao giữa các cơ quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng nghị quyết.
Về đảm bảo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể các giải pháp để Nhà nước có chính sách, cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật từ tổ chức đào tạo chuyên sâu, ưu tiên tuyển dụng, thu hút trọng dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế quy hoạch, biệt phái cán bộ; cho đến áp dụng cơ chế tự chủ lựa chọn cách thức hợp tác hoặc thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.
Về chính sách phát triển, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách cho xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát triển trợ lý ảo về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật trên cơ sở khai thác các nguồn cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin, nền tảng số phục vụ hoạt động quản lý, xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.
Bảo đảm quy định đầy đủ đối tượng thụ hưởng chính sách
Tham gia thảo luận tại Tổ 8, đại biểu Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với báo cáo thẩm tra số 290/BC-UBCTĐB15 ngày 07/5/2025 của Ủy ban Công tác đại biểu về đối tượng áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt. Theo đại biểu, tại điểm b khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị quyết quy định một trong những đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt là: “Lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này”. Tuy nhiên, mục 6, Phụ lục I ban hành kèm theo dự thảo Nghị quyết lại chỉ quy định đối tượng được hưởng hỗ trợ hằng tháng là “Ban Pháp chế thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách); Sở Tư pháp (Phòng có chức năng xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp, 01 Phó Giám đốc Sở Tư pháp phụ trách công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật)”. Đại biểu cho rằng, quy định như trên là chưa phù hợp, chưa bao quát được hết các đối tượng là cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị ở địa phương trực tiếp, thường xuyên thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, pháp chế, cụ thể: Thứ nhất, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 ngày 18/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh thì Văn phòng có chức năng “Tham mưu, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH trong công tác xây dựng pháp luật, thảo luận, góp ý kiến về các nội dung theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Nhiệm vụ này đang do công chức Phòng Công tác Quốc hội thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp thực hiện. Đây cũng là bộ phậm tham mưu cho Đoàn ĐBQH các nội dung liên quan đến tất cả các dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật trình tại các kỳ họp Quốc hội. Thứ hai, trên thực tế hiện nay ở các địa phương, các Ban của HĐND tỉnh đều nghiên cứu, thẩm tra trình HĐND chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, các chính sách, cơ chế đặc thù, các nghị quyết chưa có quy phạm pháp luật. Các nội dung này cũng do cán bộ, công chức Phòng Công tác HĐND trực tiếp tham mưu, do đó việc chỉ quy định Ban Pháp chế thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách) là chưa phù hợp, chưa bảo đảm sự công bằng. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định tại mục 6, Phụ lục I theo hướng đối tượng cán bộ, công chức được hưởng hỗ trợ hằng tháng theo quy định dự thảo Nghị quyết sẽ bao gồm: “Đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh (công chức Văn phòng tham mưu, giúp việc trực tiếp ĐBQH, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh); Sở Tư pháp (Phòng có chức năng xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp, 01 Phó Giám đốc Sở Tư pháp phụ trách công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật).
Về thu hút, sử dụng tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ, hoạt động trong công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp xây dựng pháp luật (Điều 9), dự thảo Nghị quyết quy định cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ, hoạt động quy định tại Điều 2 Nghị quyết này được tự chủ lựa chọn cách thức, tổ chức, cá nhân hợp tác, được ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài để đặt hàng và tự quyết định tiêu chí xác định chuyên gia, tổ chức tư vấn và chịu trách nhiệm về chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, đại biểu cho rằng việc trao toàn quyền cho cơ quan, đơn vị trong lựa chọn tổ chức, cá nhân hợp tác, xác định tiêu chí chuyên gia, tổ chức tư vấn; ký kết hợp đồng trong nước và nước ngoài mà không có quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục là chưa bảo đảm tính minh bạch, khách quan và dễ phát sinh tùy tiện trong áp dụng. Mặt khác, hoạt động hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài cần được kiểm soát về điều kiện, giới hạn và nghĩa vụ pháp lý nhằm bảo đảm an toàn pháp lý, bảo mật thông tin và quyền lợi của Nhà nước, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về tiêu chí, trình tự, điều kiện lựa chọn chuyên gia, tổ chức, cá nhân tư vấn trong nước và nước ngoài.
Về Khoán chi trong công tác xây dựng pháp luật, đại biểu thông tin, qua nghiên cứu danh mục tổng mức chi trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Phụ lục II, đại biểu nhận thấy các định mức này ở mức rất cao so với quy định hiện hành như: đối với Bộ luật mới, bộ luật thay thế hiện hành thì mức dự kiến gấp 5 lần quy định hiện hành; đối với luật mới, luật thay thế luật hiện hành thì mức dự kiến gấp 9 lần quy định hiện hành; đối với nghị quyết của Quốc hội thì mức dự kiến gấp 7 lần mức hiện hành. Đại biểu đề nghị, cần làm rõ tính khả thi trong bảo đảm ngân sách cho việc thực hiện mức khoán chi tại Phụ lục II khi một số định mức chi được đề xuất ở mức rất cao (gấp 5-9 lần so với mức chi hiện hành cho cùng loại nhiệm vụ) và việc xác định mức chi cần xác định trên cơ sở đánh giá đầy đủ về nguồn lực thực tế, tính hợp lý của các yếu tố cấu thành định mức, cũng như tác động đến trần ngân sách và tính bền vững để thực hiện lâu dài.