Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Thứ tư - 07/05/2025 22:48
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, chiều 06/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về 03 dự án luật: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Tổ thảo luận số 8 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, Trà Vinh, Cần Thơ, Điện Biên
Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức tham gia thảo luận tại Tổ 8
Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức tham gia thảo luận tại Tổ 8
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và tiến gần tới thông lệ quốc tế. Các đại biểu cho rằng, cần làm rõ vai trò, ý nghĩa, nội dung và giá trị pháp lý của chiến lược, kế hoạch tổng thể phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tránh làm gia tăng thủ tục hành chính, gây chồng chéo hoặc chậm trễ trong triển khai chủ trương, chính sách. Bổ sung quy định về quản lý và giám sát sử dụng nguồn lực, trong đó quy định về thiết lập hệ thống theo dõi, đánh giá đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên toàn quốc. Đồng thời, rà soát, bổ sung cơ chế đầu tư, tài chính thuận lợi để huy động nguồn lực xã hội như hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; cơ chế hợp tác công tư, đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; cơ chế sử dụng tài sản công để hỗ trợ khu vực tư nhân thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển khoa học công nghệ cho vùng dân tộc thiểu số

Tham gia thảo luận, đại biểu Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phát huy trách nhiệm trong việc trình dự án luật, bảo đảm cơ bản đáp ứng về chất lượng cũng như nội dung để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Liên quan đến giải thích từ ngữ, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ thêm một số khái niệm trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã đề cập. Đồng thời, ngày 05/5/2025, Chính phủ mới ban hành Nghị định 97/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Trong Nghị định cũng đã giải thích một số từ ngữ để làm rõ hơn các nội dung liên quan. Tuy nhiên, hiện nay giải thích từ ngữ ở trong luật cũng như trong Nghị định 97/2025/NĐ-CP chưa tương thích.

Về nguyên tắc và chính sách hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu đề nghị hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ đặt ra vấn đề từ thực tiễn mới nghiên cứu phát triển, mà cần phải nghiên cứu để phát triển theo xu hướng mà đất nước sẽ phát triển khoa học công nghệ. Cùng với đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng còn khó khăn. Trong báo cáo thẩm tra đã có ý kiến đề cập và trong nghiên cứu rất nhiều khoản tại Điều 4 cũng chưa đề cập đến các chính sách ưu tiên từ đầu tư nguồn lực về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực tại vùng còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại rất nhiều hiệu quả trong việc phát triển đất nước, nhưng ở Cao Bằng và một số tỉnh khác, hiện nay một số thôn xóm vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Để đồng bộ, tại dự thảo luật này, cần có các chính sách quan tâm ưu tiên đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ các vùng khó khăn. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để có quy định liên quan đến việc thực hiện chính sách về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ở vùng khó khăn. Hiện nay, luật đang đề cập vùng đặc biệt khó khăn ngoài việc đầu tư lớn, điện lưới được tiếp cận thụ hưởng về internet, về sóng điện thoại hoặc là cơ sở hạ tầng khác. Đất nước ta đang thực hiện cải cách tinh gọn bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính, Cao Bằng là vùng địa hình chia cắt, xã nhập lại, đi lại khó khăn, cùng với khoa học, công nghệ, cần phải đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, nhất là giao thông kết nối thì vùng này mới có cơ hội phát triển.

Về phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa, kết quả nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, sử dụng ngân sách Nhà nước (điểm a khoản 1 Điều 28), đại biểu đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra: "Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường không nên quy định cứng tỷ lệ 30% trong nội dung tại khoản 1", điều này cần nghiên cứu quy định hướng mở, để tự thỏa thuận giữa các bên, qua đó khuyến khích các nhà khoa học mạnh dạn, yên tâm trong nghiên cứu khoa học, hướng tới các giá trị sản phẩm của khoa học được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả hơn.

Về ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (Điều 60), đại biểu nhấn mạnh, hiện nay chúng ta đề cập 2% tổng chi ngân sách Nhà nước trong mỗi giai đoạn 5 năm nhưng Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị ban hành ghi rất rõ: "Bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hàng năm cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển". Đại biểu cho rằng, nên điều chỉnh theo Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị để Quốc hội, Chính phủ căn cứ bố trí ngân sách hàng năm bảo đảm việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thuận lợi hơn.

Ưu tiên nguồn lực cho công nghệ hạt nhân chiến lược

Thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đại biểu Bế Minh Đức cho biết, việc phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đang mang lại nhiều lợi ích to lớn trong các lĩnh vực như y tế công nghiệp, nông nghiệp và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, song hành với tiềm năng đó, những rủi ro đặc thù về an toàn bức xạ, an ninh hạt nhân và những rủi ro có tính chất xuyên biên giới, tác động nghiêm trọng nếu không được quản lý hiệu quả. Vì vậy, đại biểu nhấn mạnh, quá trình sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử cần được đặc biệt quan tâm, làm rõ vai trò trung tâm then chốt của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân. Đồng thời, luật hóa nghĩa vụ của Nhà nước trong việc bảo đảm các điều kiện cần thiết để cơ quan này thực thi hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình.

Theo đại biểu, hiện nay Điều 4 dự thảo luật về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử dù đã đề cập đến phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư và ứng dụng nhưng chưa thể hiện rõ cam kết của Nhà nước trong việc tập trung ưu tiên nguồn lực một cách có hệ thống đầy đủ, lâu dài cho cơ quan quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân quốc gia. Điều này dẫn đến nguy cơ khi triển khai luật, cơ quan quản lý vẫn gặp khó khăn về thu hút và giữ chân nhân sự chất lượng cao hay ngân sách hoạt động, ngân sách đầu tư cho phát triển rồi trang thiết bị chuyên ngành và cả vị thế pháp lý hành chính để phối hợp liên ngành một cách hiệu quả. Đại biểu cho biết thêm, nghiên cứu các tài liệu liên quan cho thấy các nước phát triển lĩnh vực hạt nhân đều coi cơ quan quản lý an toàn là một thiết chế đặc biệt được Nhà nước ưu tiên về tài chính, nhân lực, hạ tầng và quyền hạn độc lập.

Từ những phân tích trên, đại biểu Bế Minh Đức đề xuất bổ sung vào Điều 4 một khoản chính sách riêng như sau: "Nhà nước ưu tiên tập trung và đảm bảo đầy đủ nguồn tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và điều kiện cần thiết để cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về an toàn bức xạ và hạt nhân, thực hiện đầy đủ hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm vị thế pháp lý, sự độc lập và năng lực chuyên môn của cơ quan này phù hợp với thông lệ quốc tế". Bổ sung này vừa mang tính nền tảng xác lập trách nhiệm lâu dài của Nhà nước, vừa là điều kiện tiên quyết để luật được triển khai hiệu quả trong thực tiễn. Đây cũng là một lời khẳng định mạnh mẽ rằng chúng ta không chỉ theo đuổi ứng dụng năng lượng nguyên tử vì lợi ích phát triển mà còn đặt sự an toàn của con người và quốc gia làm ưu tiên tối thượng./.

Tác giả: Lê Điệp (CTQH)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập44
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay5,508
  • Tháng hiện tại51,697
  • Tổng lượt truy cập9,895,437
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Khu đô thị mới, phường ĐềThám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng 
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây