Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng thảo luận ở tổ về dự Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân cùng một số nội dung quan trọng khác.

Thứ hai - 12/05/2025 07:24
Chiều nay, 12/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về: Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Quản Minh Cường – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng chủ trì phiên thảo luận Tổ 8, gồm các Đoàn: Cao Bằng, Cần Thơ, Điện Biên và Trà Vinh.
Đồng chí Quản Minh Cường – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng chủ trì phiên thảo luận Tổ 8
Đồng chí Quản Minh Cường – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng chủ trì phiên thảo luận Tổ 8
Phát biểu định hướng phiên thảo luận, đồng chí Quản Minh Cường - Bí thư Tỉnh ủy Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng - nhấn mạnh đến tình trạng lộ lọt, lợi dụng dữ liệu cá nhân đang là vấn đề rất bức xúc, nóng hổi, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng là vô cùng khó. "Kể cả những lãnh đạo cấp cao cũng bị các đối tượng sử dụng trang mạng, thậm chí các dữ liệu cá nhân cũng bị lộ lọt từ những nguồn khó để xác định". Theo đó, chúng ta đang sống trong môi trường số, do đó việc làm thế nào để bảo vệ được dữ liệu cá nhân liên quan đến bí mật đời tư, kinh tế, tài chính... Đặc biệt, khi luật hóa thì những trường hợp bị lộ, bị lợi dụng, sử dụng với mục đích khác thì xử lý thế nào? Thực tế trong cuộc sống khi đi siêu thị, khi mua hàng bị yêu cầu phải đọc số điện thoại. Hay khi đi máy bay trên vé cũng có số điện thoại, vừa xuống đến cửa sân bay đã có người gọi điện "anh có đi taxi về không?" hay "Chỉ vô tình chạm vào một quảng cáo nào đó về mua nhà, ngay ngày hôm đó có 40 - 50 cuộc điện thoại gọi đến, giới thiệu tất cả các dự án. Đây là một hình thức lộ lọt thông tin. Do đó, đồng chí nhấn mạnh cơ quan chức năng cần làm thế nào để công dân được đảm bảo dữ liệu cá nhân".

Thảo luận Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, ĐBQH Đỗ Quang Thành (Cao Bằng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, cho rằng, nhiều nội dung về dữ liệu cá nhân đã được điều chỉnh trong Luật Dữ liệu năm 2024. Vì vậy, cần rà soát kỹ phạm vi điều chỉnh và quy định về áp dụng pháp luật để xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân cho phù hợp. Đại biểu đề nghị giới hạn phạm vi điều chỉnh của luật này cần tập trung vào các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các quy định liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân nên được kế thừa và tham khảo từ Luật Dữ liệu năm 2024 nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật theo hướng: các quy trình, thủ tục xử lý dữ liệu cá nhân nếu đã được thực hiện theo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân thì không phải thực hiện lại theo quy định của Luật Dữ liệu. Điều này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia xử lý dữ liệu cá nhân, đồng thời tránh gây phiền hà, tốn kém do phải thực hiện đồng thời hai hệ thống quy trình, thủ tục. “Chẳng hạn, khi chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới, nếu đã đánh giá tác động theo quy định của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân thì không cần thực hiện thêm đánh giá rủi ro theo Luật Dữ liệu”, đại biểu Đỗ Quang Thành nêu ví dụ.

Góp ý Điều 4 về xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, ĐBQH Đỗ Quang Thành cho rằng, khoản 2 quy định “áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm” chưa bảo đảm sự thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành và có thể khó triển khai trên thực tế. Theo đại biểu, việc xử phạt vi phạm cần tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng nên được xác định là gấp 10 lần khoản thu có được từ hành vi vi phạm. Trường hợp mức phạt này thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thì áp dụng mức phạt theo quy định của luật hiện hành để đảm bảo sự thống nhất và hiệu lực pháp lý. Riêng với hành vi vi phạm liên quan đến chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới, đại biểu đề xuất áp dụng mức phạt tối đa là 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp vi phạm. Tuy nhiên, nếu mức phạt này vẫn thấp hơn mức tối đa quy định tại khoản 3 Điều 4 dự thảo Luật, thì cần áp dụng theo mức cao hơn nhằm tăng tính răn đe và hiệu quả thực thi pháp luật.

Thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho rằng: Về quy định tại khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật đã quy định tăng số lượng thành viên Ủy ban bầu cử của cấp xã từ chín đến mười lăm thành viên. Việc quy định tăng số lượng thành viên Ủy ban bầu cử là cần thiết, bởi vì đây là tổ chức phụ trách bầu cử quan trọng, trực tiếp chỉ đạo công tác bầu cử và công việc liên quan công tác bầu cử tại đơn vị bầu cử. Đối với cấp xã là nơi trực tiếp thực hiện các công việc bầu cử, là nơi trực tiếp diễn ra công tác bầu cử, chỉ đạo các Tổ bầu cử, các khu vực bỏ phiếu trực tiếp. Do đó, ĐB Đoàn Thị Lê An đề nghị quy định tăng thêm số lượng thành viên Ủy ban bầu cử cấp xã trong Luật từ tối thiểu là 11 thành viên đến 19 thành viên. Với lí do, bên cạnh vai trò quan trọng của Ủy ban bầu cử cấp xã trong công tác bầu cử, việc tổ chức chính quyền địa phương cấp xã theo mô hình mới cũng mở rộng địa bàn hơn so với đơn vị trước đây, về cơ cấu tổ chức sẽ tăng số lượng chức danh là thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, tổ chức thêm cấp phòng thuộc UBND, Công an xã đã tổ chức chính quy. Trong thực tiễn của bầu cử nhiệm kỳ 2021-2026, các thành viên của Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử sẽ được phân công tham gia phụ trách hoặc là thành viên các Tổ bầu cử để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu vực bỏ phiếu, là nơi diễn ra các hoạt động quan trọng nhất của công tác bầu cử. Vì vậy, số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử cấp xã cần được nghiên cứu, xem xét theo hướng tăng thêm số lượng so với dự thảo Luật hiện nay.

Cũng tại khoản 7, Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm quy định “danh sách Ủy ban bầu cử ở xã phải được gửi đến Ủy ban bầu cử cấp tỉnh” tương ứng với quy định về danh sách Ủy ban bầu cử ở tỉnh phải được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia.

Tác giả: Dương Tường (CTQH)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay5,800
  • Tháng hiện tại73,539
  • Tổng lượt truy cập9,917,279
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Khu đô thị mới, phường ĐềThám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng 
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây