Tham gia thảo luận tại tổ, các đại biểu bày tỏ tán thành đối với dự thảo các luật được cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra chuẩn bị kỹ lưỡng, một số nội dung phải xây dựng và lấy ý kiến trong thời gian ngắn nhưng đã được chuẩn bị công phu để tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý, thể chế hoá các chủ trương của Đảng về ban hành cơ chế chính sách đặc biệt, phù hợp để xây dựng quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm quy trình, thủ tục, xây dựng quy định để phù hợp chính quyền địa phương 2 cấp.
Tham gia tại phiên thảo luận, đại biểu Bế Minh Đức - Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ tán thành đối với các dự thảo Luật. Góp ý đối với dự thảo Luật Quốc tịch, đại biểu cho rằng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch đã bổ sung khoản 2a để bổ sung vào Điều 19 quy định về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam, tuy nhiên dự thảo Luật chưa thể hiện rõ chủ trương, cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch Việt Nam theo Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có quy định “có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch.....các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia , các tổng công trình sư”, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định cụ thể để làm rõ hơn việc thể chế hoá quy định trên.
Bày tỏ quan tâm đến nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị bổ sung một trong các yêu cầu được chỉ định thầu là đối với các gói thầu được thực hiện tại vùng đặc biệt khó khăn (nơi khan hiếm vật liệu xây dựng, đường giao thông khó khăn, công trình có quy mô dưới 5 tỷ/dự án, gói thầu) để hạn chế phí trung gian.
Góp ý đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Uỷ ban nhân dân tỉnh, đại biểu đề nghị đối với nội dung “Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác” khi giao thẩm quyền này từ Chính phủ về Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cần giới hạn cụ thể, rõ ràng để dễ xác định khi thực hiện. Cụ thể, từ 10.000 người đến dưới 20.000 người ở miền núi, từ 20.000 đến dưới 40.000 ở vùng khác sẽ thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, lớn hơn số lượng nêu trên thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Đồng thời, dự thảo Luật cần xác định đối với dự án có yêu cầu di dân tái định cư dưới 10.000 người thì thuộc thẩm quyền cấp nào hoặc xác định và phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp xã ngay trong luật, trong bối cảnh không còn chính quyền cấp huyện.
Bên cạnh đó, đại biểu băn khoăn đối với nội dung dự án 1 luật sửa đổi, bổ sung 7 luật, cơ quan soạn thảo đã thực hiện rà soát đầy đủ các nội dung cần sửa đổi, bổ sung theo tờ trình để thể chế hoá đầy đủ chủ trương của Đảng, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương hay chưa? Từ đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát đầy đủ các nội dung để thể chế hoá đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước làm cơ sở tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, khơi thông nguồn lực cho phát triển.