Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nhật Lệ; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh và một số sở, ngành; phòng giáo dục và đào tạo các huyện, Thành phố; một số trường THPT trên địa bàn Thành phố.
Các đại biểu tán thành việc xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết và phù hợp với chủ trương, quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, thống nhất trong quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 46 điều, với nhiều nội dung quan trọng, đề cập đến nhiều điểm mới về chính sách đối với nhà giáo như: lần đầu tiên xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập; nhà giáo được chuẩn hóa thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp; chính sách tuyển dụng, sử dụng gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Cùng với đó là điểm mới về chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo; chính sách tiền lương và đãi ngộ.
Tại hội nghị, các đại biểu tích cực đóng góp và cho ý kiến về một số nội dung trong dự thảo Luật Nhà giáo như: đề nghị bổ sung thêm quy định hình thức thay đổi các chức danh nhà giáo, về hồ sơ tiếp nhận nhà giáo; quy định rõ về lương và phụ cấp cho các đối tượng giáo viên; làm rõ khái niệm, phương thức tuyển dụng nhà giáo; bảo lưu chế độ giáo viên chuyển vùng, tăng thời gian bảo lưu; bổ sung thêm các quy định về chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và người có trình độ cao, điều dộng giáo viên về các vùng; dự thảo chính sách tiền lương, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; các quy định về điều động, biệt phái nhà giáo; bổ sung thêm quy định liên quan đến trường chuyên, trường năng khiếu (tiêu chuẩn đặc thù, chế độ chính sách, các phụ cấp đối với giáo viên); xem xét, điều chỉnh lại một số từ ngữ cho phù hợp.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nhật Lệ đề nghị các đại biểu, các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Nhà giáo, nội dung phải đồng bộ với các luật khác để điều chỉnh cho phù hợp. Trong quá tình soạn thảo, các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Đoàn ĐBQH cần lưu ý, nghiên cứu các quy định của Luật Nhà giáo gắn liền với việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy phân cấp trong tình hình hiện nay để đề xuất đưa vào luật một cách cụ thể.
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bế Minh Đức cho biết các ý kiến góp ý tại Hội nghị sẽ được tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền; đồng thời được sử dụng làm tài liệu quan trọng để Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến tại các phiên họp, thảo luận, tranh luận,… tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới. Đồng thời nhấn mạnh: Luật Nhà giáo là một trong những dự án luật quan trọng, dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.