Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và quyết định khối lượng công việc rất lớn, có ý nghĩa lịch sử, với nhiều nội dung hệ trọng, gắn liền với yêu cầu đổi mới, hoàn thiện thể chế, tinh gọn tổ chức bộ máy, được cử tri và nhân dân theo dõi, phấn khởi, kỳ vọng và đồng tình, thống nhất cao.
Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất từ trước đến nay; tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng vẫn bảo đảm nền nếp, cẩn trọng, kỷ cương, đúng quy định của pháp luật và hiệu quả. Quốc hội đã thông qua 34 luật, chiếm 52,3% tổng số luật được ban hành tại 17 kỳ họp của nhiệm kỳ khóa XV. Đồng thời, thông qua 14 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến 06 dự án luật. Hầu hết các luật, nghị quyết thông qua đều đạt được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối của các đại biểu Quốc hội, cùng với nhiều luật, nghị quyết đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp. “Nhân dịp này, Quốc hội đặc biệt trân trọng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, nhân dân trong toàn hệ thống chính trị, trong đó có chính quyền cấp huyện, đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang ở từng địa phương, góp phần cho việc đổi mới mạnh mẽ, toàn diện của đất nước trong giai đoạn mới” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cũng trong thời gian diễn ra kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và ngân sách nhà nước năm 2024, những tháng đầu năm 2025 và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác nhằm phát huy tối đa nguồn lực, phục vụ quốc kế dân sinh.
Quốc hội đã quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và nhiệm kỳ HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch, phê chuẩn Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng. Đây là những quyết sách quan trọng, thể hiện sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc bầu cử trong tháng 3/2026.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026; tiến hành chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và giáo dục - đào tạo. Công tác nhân sự được thực hiện theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đạt được sự thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 9 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử lập hiến, lập pháp của Quốc hội khóa XV. Các quyết sách, đạo luật được thông qua tại kỳ họp này có tính cách mạng, khởi đầu cho những cải cách thể chế một cách căn cơ, định hướng những nhiệm vụ cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ngay sau kỳ họp khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; đặc biệt là thực hiện các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã… vận hành chính thức chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 01/7/2025.
Các vị ĐBQH Đoàn Cao Bằng đã tham gia đầy đủ các phiên họp, các hoạt động của các cơ quan Quốc hội và của Đoàn tổ chức với 55 buổi thảo luận tại Hội trường, 19 buổi thảo luận Tổ, 03 buổi thảo luận Đoàn, đã có 34 lượt ý kiến của các vị ĐBQH trong Đoàn phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trên các lĩnh vực về công tác lập pháp và chính sách kinh tế, tham gia xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước như thảo luận về các dự án: Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật Nhà giáo, Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Đường sắt (sửa đổi); hoàn thiện Luật Thanh tra (sửa đổi) để sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hai cấp ở Trung ương và địa phương; Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; hiến kế các giải pháp để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới… Nội dung các ý kiến đều đã thể hiện rõ quan điểm thống nhất, có tính phản biện sâu, thuyết phục, bám sát và xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, đồng thời thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu Quốc hội, đề ra các giải pháp góp phần tháo gỡ các vấn đề mang tính cấp bách đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, nâng cao đời sống Nhân dân.
Với sự chuẩn bị chu đáo, hoạt động tích cực, hiệu quả, Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội Cao Bằng đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV./.