Quốc hội thảo luận trực tuyến Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Chủ nhật - 31/10/2021 22:36
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 28/10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến tại hội trường về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV và lãnh đạo một số ngành liên quan.
Các đại biểu tham dự kỳ họp Quốc hội tại điểm cầu Cao Bằng
Các đại biểu tham dự kỳ họp Quốc hội tại điểm cầu Cao Bằng

Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm 98 điều (giảm 5 điều so với luật hiện hành), giữ nguyên bố cục gồm 8 chương như luật hiện hành, sửa đổi, điều chỉnh 94 điều với 4 nhóm nội dung lớn phù hợp với 4 nhóm chính sách nêu trong đề nghị xây dựng luật.

Thông qua thảo luận Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), có 31 ý kiến phát biểu trực tuyến, 2 ý kiến tranh luận. Cơ bản các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm “đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào Thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế”.

Các đại biểu nhất trí với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án luật, đánh giá cao việc bổ sung đối tượng là tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp; doanh nhân, trí thức, nhà khoa học; cá nhân, tập thể người nước ngoài; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài… phù hợp với thực tiễn, ngày càng đa dạng trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, các đại biểu chỉ rõ, dự thảo luật lần này chưa có sự phân cấp, phân ngành, lĩnh vực rõ ràng trong tổ chức đăng ký tham gia và bình xét thi đua, khen thưởng nên việc tổ chức đánh giá, bình xét còn nể nang, đôi lúc còn mang tính hình thức. Đối với quy định cần có thời gian liên tục trong công tác bình xét thi đua, cơ quan soạn thảo cần xem xét thay thế bằng quy định có đủ số năm đạt thành tích trong khoảng thời gian xét khen thưởng phù hợp, tránh việc nhường thành tích, kết quả cho nhau để đảm bảo có thời gian liên tục.

Dự thảo luật sửa đổi lần này cần quan tâm khắc phục tối đa sự rườm rà trong thủ tục xét khen thưởng, nhất là đối với trường hợp xét khen thưởng đột xuất. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể hóa nguyên tắc quan tâm khen thưởng tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như việc bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng. Bổ sung vào dự thảo luật về hành vi nghiêm cấm đối với những người thực hiện trình tự, thủ tục thi đua, khen thưởng có những hành vi cản trở, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong thi đua, khen thưởng.

Đối với Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh. Đồng thời, nhất trí và đánh giá cao tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng như đánh giá cao dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Cho ý kiến về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), các đại biểu cho rằng việc ban hành luật là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 15 quy định chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp và UBND tỉnh, thành trực thuộc Trung ương. Vì vậy, đề nghị dự án luật làm rõ ngoài các cơ quan nói trên thì các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, các ban, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng có được quyền làm chủ đầu tư dự án sản xuất phim hay không?

Đề nghị phải xác định tinh gọn, đúng trọng tâm, trọng điểm những đề tài được Nhà nước ưu tiên đầu tư kinh phí từ ngân sách. Có quy định cụ thể về chính sách khuyến khích, cơ chế để tổ chức, cá nhân tham gia, trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia để chính sách này dễ thực hiện khi đi vào thực tiễn cuộc sống…

Về quy định việc sản xuất phim từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các đại biểu thống nhất chọn phương án: Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu vì 3 hình thức trên sẽ rất linh hoạt trong quá trình áp dụng và bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đối với quy định giảm giá vé cho người cao tuổi và người khuyết tật đặc biệt nặng khi xem phim tại rạp, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm người khuyết tật đặc biệt nặng, đồng thời cân nhắc bổ sung đối tượng là người có công với cách mạng…

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. Đồng thời, tiếp thu ý kiến góp ý để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua. 

Tác giả: K.X

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập36
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay4,848
  • Tháng hiện tại141,366
  • Tổng lượt truy cập9,012,582
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây