Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng tham gia thảo luận đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự
Thứ tư - 27/10/2021 21:46
Thực hiện Chương trình kỳ họp, sáng ngày 25/10/2021 Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tại phiên thảo luận đại biểu Đoàn Thị Lê An thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng đã tham gia phát biểu đối với Dự án Luật.
Đại biểu hoàn toàn nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự theo trình tự, thủ tục rút gọn được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XV, để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP, đảm bảo đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong hiệp định và phù hợp trong tình hình thiên tai, dịch bệnh như hiện nay.
Tuy nhiên Đại biểu cho rằng về phạm vi sửa đổi của dự án Luật cần phải xem xét lại, chỉ sửa đổi, bổ sung theo trình tự rút gọn đối với những nội dung đáp ứng điều kiện của Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:
Về bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn đại lý:
Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thực hiện hành động pháp lý mà không cần có khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không đặt ra với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý. Do đó chỉ có nội dung bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó là “trường hợp cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”. Về mặt thực tiễn theo Báo cáo số 135/BC-VKSTC ngày 01/10/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổng kết thi hành các điều 146, 148, 155, 157, 229 và 247 của Bộ luật Tố tụng hình sự đánh giá: “Về cơ bản, việc áp dụng Điều 155 và Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến khoản 1 Điều 226 Bộ luật hình sự đều thuận lợi, chính xác, bảo đảm đúng người, đúng tội, góp phần đấu tranh phòng, chống hiệu quả các tội phạm loại này, đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên... chưa tương tích với điểm g khoản 6 Điều 18.77 Hiệp định CPTPP”. Cho thấy việc thực hiện các quy định xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lýnhư quy định hiện hành không có vướng mắc.Bên cạnh đó việc quy định mở hơn so với phạm vi cam kết của Hiệp định CPTPP là việc chúng ta tự quy định mới, và phải chăng đây còn là quy định “hình sự hoá” phạm vi mà trước đây ta cho rằng có tính chất dân sự.
Do đó, Đại biểu cho rằng không nên bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn đại lý. Và nếu có đi chăng nữa, thì cần nghiên cứu thật kỹ, đánh giá đầy đủ theo trình tự xây dựng luật thông thường theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chứ không thể ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Về quy định bổ sung trách nhiệm cho công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm tại sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 44 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự
Đại biểu cho rằng việc sửa đổi quy định trên là cần thiết để phù hợp với vị trí, vai trò của Công an xã chính quy đã được thiết lập như hiện nay. Tuy nhiên Đại biểu còn băn khoan về thời điểm sửa đổi, bổ sung trách nhiệm cho công an xã tại thời điểm này, tại dự thảo này - theo trình tự rút gọn.
Bởi vì đại biểu cho rằng đây cũng là quy định mới cần được xem xét, đánh giá đầy đủ theo trình tự xây dựng luật thông thường theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về mặt thực tiễn lực lượng công an xã chính quy mới được thiết lập, ở các tỉnh miền núi như Cao Bằng mỗi xã trung bình có 5 đồng chí công an xã, với địa hình đi lại khó khăn thực hiện rất nhiều việc ở xã, bên cạnh đó mỗi đồng chí công an được đưa về xã có nghiệp vụ, chuyên môn khác nhau: có đồng chí thuộc khối an ninh, có đồng chí thuộc khối cảnh sát, nghiệp vụ không đồng đều, được đào tạo khác nhau. Việc giao thêm nhiệm vụ mới cần được xem xét, đánh giá kỹ về năng lực đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo tính khả thi, thậm chí nếu sau đánh giá nhận thấy chưa đáp ứng được ngay còn cần phải có lộ trình thực hiện về đào tạo, tập huấn cán bộ, về trang bị cơ sở vật chất.
Do đó đại biểu đề nghị quy định bổ sung nhiệm vụ công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm tại dự thảo luật theo trình tự rút gọn - được thông qua có hiệu lực ngay, cần phải nghiên cứu lại.
Đại biểu kiến nghị sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 281 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bổ sung căn cứ để thẩm phán, chủ tọa phiên tòa tạm đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà Tòa án không thể đưa vụ án ra xét xử, để phù hợp với dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự.