Các đại biểu nghe Tờ trình về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Tờ trình, Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế; Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; Báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020; Báo cáo thẩm tra về việc quản lý, sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020.
Thảo luận tại tổ về các dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế, các đại biểu cơ bản nhất trí chủ trương chung cần có cơ chế đặc thù cho các địa phương phát triển gắn với tình hình kinh tế - xã hội; đồng thời cụ thể hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị.
Đại biểu Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị: Đối với việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, đề nghị có quy định chặt chẽ hơn liên quan đến việc bảo lãnh của Chính phủ khi chính quyền địa phương phát hành trái phiếu, tránh trường hợp có thể có những rủi ro ảnh hưởng lâu dài. Cần có cơ chế, chính sách quy định thêm việc quản lý, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tránh trường hợp sau này một số tỉnh, thành đồng loạt xin cơ chế, chính sách đặc thù, xin phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.
Để giảm thiểu việc hưởng BHXH một lần, ĐBQH tỉnh đề nghị Nhà nước cần tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động. Tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm. Chỉ rõ xu hướng gia tăng hưởng BHXH một lần thời gian qua. Hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt (bổ sung thêm các chế độ ngắn hạn, tăng cường chính sách hỗ trợ tiền đóng từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội khác…), góp phần tăng thêm cơ hội cho người lao động có thể tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Đề nghị ngành BHXH, các bộ, ngành, Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nợ BHXH do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hồi phục sản xuất, kinh doanh cũng như miễn giảm nợ. Cần đánh giá quá trình thực hiện Luật BHXH một cách chi tiết hơn, nhất là về quá trình thực hiện quy định BHXH một lần cũng như những hạn chế, bất cập đang tồn tại, sớm có lộ trình sửa đổi luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Tiếp tục cải cách hành chính, thay đổi phương thức quản lý tạo sự hài lòng, nâng cao niềm tin của người dân với chính sách an sinh của Nhà nước. Đối với bảo hiểm thất nghiệp, hiện nay, nhiều người chưa được tiếp cận đầy đủ, đề nghị nghiên cứu đề xuất các giải pháp chi trả bảo hiểm thất nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ 4.0.
Đối với chính sách BHYT, ĐBQH tỉnh đề nghị cần mở rộng độ bao phủ BHYT, quan tâm đến các đối tượng có mức sống trung bình, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhất là các đối tượng lao động tự do, buôn bán nhỏ; tiếp tục quan tâm đến người dân các xã vừa đạt nông thôn mới và người dân tộc thiểu số khu vực I. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật BHYT; nghiên cứu xây dựng quy chế chi trả từ nguồn Quỹ BHYT cho hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu; xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, thẻ y tế thông minh, hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia. Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo tránh tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT, Quỹ BHXH...