Thảo luận về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), có 30 ý phát biểu trực tuyến, 1 ý kiến tranh luận. Đa số các đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau nhiều năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Các đại biểu cho rằng, dự thảo luật sau khi được thông qua sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác có các quy định về loại hình bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa dự thảo luật này với các luật khác liên quan như: Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Thanh tra…
Các đại biểu đánh giá cao việc xây dựng chính sách, điều kiện để tổ chức triển khai sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội, đặc biệt là chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Tuy nhiên, quy định còn mang tính chung chung, thiếu định lượng, phạm vi chính sách mới chỉ dừng lại ở khuyến khích, tạo điều kiện mà chưa quy định cụ thể về việc khuyến khích và tạo điều kiện.
Cần xem bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm đặc thù, xây dựng một chương riêng cho dự thảo; những quy định cụ thể và mạnh mẽ hơn, quy định mức phí phù hợp và hỗ trợ đối với một số đối tượng ưu tiên tham gia bảo hiểm nông nghiệp; quy định rõ các chính sách khuyến khích trong việc tổ chức triển khai sản phẩm là bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp cho doanh nghiệp bảo hiểm; quy định cụ thể những đối tượng được nhận bảo hiểm trong chương trình phát triển nông nghiệp…
Để bảo đảm tính khả thi của luật, đề nghị cơ quan soạn thảo tổng kết, đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian qua; phân tích, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, chi phí, lợi ích của loại bảo hiểm này; bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô; phân tích rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm này so với bảo hiểm thông thường.
Tiếp đó, các ĐBQH cho ý kiến về hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm; bảo hiểm bắt buộc; doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin; tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm…
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) và thảo luận tại tổ.
Phát biểu thảo luận tại tổ, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức khẳng định: Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết số 24 của Quốc hội đến năm 2020, tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ: cơ cấu lại 3 trọng tâm đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và khu vực công; phát triển mạnh kinh tế tư nhân thu hút FDI; hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành, vùng kinh tế gắn với hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thành và phát triển đồng bộ các loại thị trường tài chính, đất đai, lao động…
Mặc dù triển khai trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là năm 2020 tái bùng phát dịch Covid-19 nhưng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, có 5 mục tiêu không hoàn thành gồm: thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn; thoái vốn Nhà nước xuống dưới mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư; mục tiêu nâng cao chất lượng, thể chế quản lý đầu tư công; mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; tỷ trọng lao động qua đào tạo mới đạt 24,5%.
Đồng tình với quan điểm và kiến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu tại báo cáo thẩm tra, đồng chí kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, việc cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 có thể kéo dài gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII của Đảng; cơ cấu lại nền kinh tế lấy thực hiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo làm đột phá; tập trung hình thành cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm giai đoạn trước, chia thành đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; xác định xuất nhập khẩu đầu tư công, tiêu dùng vẫn là trụ cột để tăng trưởng, từ đó có giải pháp phù hợp; xử lý, giải quyết dứt điểm hơn 10 dự án yếu kém của ngành công thương để ổn định phát triển sản xuất.