Tại điểm cầu tỉnh, tham dự có các đồng chí: Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.
Các đại biểu thảo luận trực tuyến Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT – XH. Góp ý vào Nghị quyết đại biểu Bế Minh Đức - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng đề nghị: Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung vào Nghị quyết các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã với nguồn lực lớn hơn, chính sách can thiệp rộng hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, có như vậy nền kinh tế mới sớm phục hồi và phát triển, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ và xuất nhập khẩu.
Đại biểu nhất trí với việc dự thảo Nghị quyết có nội dung quy đinh chi đầu tư phát triển tối đa 176 nghìn tỷ đồng cho việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng; cấp bù lãi suất và chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm; xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại; cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; chuyển đổi số, công nghệ thông tin; các công trình hạ tầng giao thông chiến lược, trọng điểm, hạ tầng phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai để tập trung triển khai trong 02 năm 2022-2023, với quy định phải bảo đảm nguyên tắc điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình để ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong hai năm 2022-2023. Đại biểu cũng nhất trí với nội dung bổ sung 102,8 nghìn tỷ đồng để bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các chương trình, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội đã đủ thủ tục theo quy định, với các nguyên tắc được nêu trong dự thảo Nghị quyết.
Căn cứ các nguyên tắc quy định tại dự thảo Nghị quyết đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ đưa dự án kết nối cao tốc đoạn từ Thành phố Cao Bằng đến đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), với quy mô tốc độ cao, chiều dài trên 25 km, tổng mức đầu tư khoảng 1.350 tỷ đồng; thời gian hoàn thành trong năm 2023 vào Danh mục các dự án giao thông kết nối thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với các lý do:
Thứ nhất, vì tuyến đường trên phù hợp với các yêu cầu, nguyên tắc được ghi trọng dự thảo Nghị quyết đó là: Dự án có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn; đã được tỉnh tiến hành rà soát, nghiên cứu, lựa chọn xong phương án đầu tư và có thể hoàn thành trong hai năm 2022-2023.
Thứ hai, Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư đã được Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Căn cứ Thông báo số 319/TB-VPCP ngày 28/11/2021 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc với tỉnh Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đã tiến hành rà soát, nghiên cứu, lựa chọn xong phương án đầu tư tuyến kết nối Thành phố Cao Bằng với dự án cao tốc, do vậy có thể triên khai được ngay khi có vốn....
Thứ ba, tuyến đường kết nối sẽ phát huy đồng bộ hiệu quả của tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) khi được đầu tư hoàn thành giai đoạn 1, tuyến đường kết nối Thành phố Cao Bằng với tuyến cao tốc sẽ giúp mở rộng không gian phát triển của tỉnh.