Qua giám sát cho thấy cơ bản, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã thể hiện rất sâu sát, quyết liệt trong việc lãnh chỉ đạo, quán triệt tổ chức triển khai các nhiệm vụ trong công tác thực hiện chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; luôn chấp hành nghiêm túc, kịp thời triển khai, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện theo văn bản hướng dẫn và chỉ đạo từ cấp trên. Với số lượng hộ gia đình tham gia Đề án lớn trong khi nguồn kinh phí có hạn, các cấp, các ngành đã có sự chủ động trong công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện lồng ghép Công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát vào các Chương trình, dự án khác, phấn đấu hoàn thành cao nhất chỉ tiêu giao. Kết quả thực hiện các chương trình hỗ trợ thuộc chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát đã triển khai thực hiện trên địa bàn trong giai đoạn năm 2021 - 2023 theo các chương trình, nguồn kinh phí được giao: 19.310 triệu đồng; đã giải ngân: 16.936 triệu đồng; chưa giải ngân: 2.374 triệu đồng gồm:
Theo Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND từ đầu năm 2021 đến trước khi Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát được phê duyệ (tháng 9/2022): số hộ được phê duyệt hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tháng 11/2021 là: 670 hộ. Trong đó: 71 hộ không còn nhu cầu hỗ trợ; 41 hộ thực hiện xong và được hỗ trợ theo mức quy định từ các nguồn MTTQ, Viettel,... (Lắp ghép 14 hộ; xây mới 24 hộ; sửa chữa từ 01 đến 02 tiêu chí cứng 03 hộ); 558 hộ chuyển sang Đề án theo Nghị quyết số 64/2022/NQ-HĐND. Kinh phí hỗ trợ huy động được: 1.883 triệu đồng. Ngày công huy động hỗ trợ được: 1235 ngày công.
Theo Quyết định số 1394/QĐ-UBND sau khi Đề án Xóa nhà tạm, nhà dột nát số hộ được hỗ trợ theo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát: 558 hộ. Trong đó: 05 hộ xây mới thực hiện xong và được hỗ trợ vào tháng 10/2022; 553 hộ lồng ghép vào Đề án hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 90. Kinh phí được giao: 220 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, huyện đã phân bổ cho 05 hộ xây mới, mỗi hộ 44 triệu đồng.
Theo Quyết định số 1640/QĐ-UBND (Quyết định số 90/QĐ-TTg): kinh phí được giao: 17.880 triệu đồng. Nguồn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương: 16.084 triệu đồng; trong đó NSTW: 14.400 triệu đồng, NSĐP: 1.684 triệu đồng; phân bổ cho 429 hộ trong đó (291 hộ xây mới, 86 hộ sửa chữa 1-2 tiêu chí, 52 hộ sửa chữa 3 tiêu chí). Nguồn xã hội hóa (Hội chữ thập đỏ tỉnh, MTTQ tỉnh, Quỹ Vì người nghèo, Agribank): 1.123 triệu đồng.
Tuy nhiên, có 133 hộ đã hoàn thành xây dựng, sửa chữa nhà ở theo Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát nhưng vẫn chưa giải quyết được tiền hỗ trợ do không thuộc đối tượng chi trả từ Nguồn mục tiêu quốc gia giảm nghèo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD. Một số ít hộ gia đình vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy tinh thần tự lực, tự cường, huy động nội lực để tự làm nhà cho chính mình; một số hộ dân vẫn bị ảnh hưởng phong tục tập quán khi làm nhà phải chọn ngày, xem tuổi của người chủ nhà nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Nhiều hộ gia đình có vướng mắc liên quan tới đất đai ( xây dựng trên đất rừng, xây dựng trên đất nông nghiệp, chưa có chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất,..). Việc hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc liên quan đến vấn đề này lại chưa cụ thể, chưa rõ ràng. Một số hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần thiết phải thực hiện đo vẽ bản đồ địa chính nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu kinh phí để thực hiện đo vẽ, xác định kích thước thửa đất. Các hộ nghèo thật sự khó khăn về kinh phí đối ứng, nhiều hộ phải vay mượn thêm mới đủ khả năng thực hiện, thậm chí một số hộ không thể thực hiện do không có khả năng đối ứng.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nông Hải Lưu đề nghị, huyện tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện tốt công tác giải ngân nguồn vốn hỗ trợ XNT, NDN cho các đối tượng thụ hưởng; tăng cường công tác tuyên tuyền, đẩy mạnh hướng dẫn cụ thể hơn, vận động nhân dân làm nhà phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình. Tiếp tục rà soát các đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách đảm bảo đúng, đủ, kịp thời và không bỏ sót đối tượng; nắm bắt thông tin và giải quyết ngay những vấn đề vướng mắc, phát sinh ở cơ sở; huy động các nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng nhằm chung tay hỗ trợ, giúp đỡ làm nhà cho các đối tượng. Đồng thời, tiếp thu toàn bộ những ý kiến, kiến nghị của các địa phương, tổng hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.