Theo báo cáo của các sở, ngành giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 15.835 hộ cần hỗ trợ XNT, NDN. Đến nay, đã giải ngân 165 tỷ 121 triệu đồng hỗ trợ 4.592 hộ. Trong đó, hỗ trợ theo Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND ngày 29/7/2021 của HĐND tỉnh 1.138 hộ, với số tiền 47 tỷ 051 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Theo Nghị quyết số 64/2022/NQ- HĐND ngày 29/7/2021 của HĐND tỉnh, từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện chương trình MTQG, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa, đã hỗ trợ 118 tỷ 070 triệu đồng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 3.454 hộ.
Tính riêng 5.250 hộ nằm trong Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát của UBND tỉnh, có 3.677 hộ đã hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà ở, trong đó đã hoàn thành hỗ trợ 2.627 hộ. Cụ thể: đã hỗ trợ 96 tỷ 370 triệu đồng cho 2.146 hộ (82 tỷ 459 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và 13 tỷ 911 triệu đồng nguồn đối ứng của tỉnh); hỗ trợ 10 tỷ 780 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa cho 270 hộ; tạm ứng 4 tỷ 820 triệu đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hỗ trợ 211 hộ gia đình chính sách người có công.
Có được kết quả này, là sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền các cấp đã thể hiện rất sâu sát, quyết liệt trong việc lãnh chỉ đạo, quán triệt tổ chức triển khai các nhiệm vụ trong công tác thực hiện chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; luôn chấp hành nghiêm túc, kịp thời triển khai, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện theo văn bản hướng dẫn và chỉ đạo từ cấp trên. Với số lượng hộ gia đình tham gia Đề án lớn trong khi nguồn kinh phí có hạn, các cấp, các ngành đã có sự chủ động trong công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện lồng ghép vận động quần chúng nhân dân tham gia ủng hộ kinh phí, ngày công lao động, cán bộ công nhân viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang các cấp trên địa bàn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện ủng hộ kinh phí và tham gia hỗ trợ ngày công lao động giúp đỡ các hộ gia đình thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát gặp một số khó khăn như nguồn vốn xã hội hóa còn hạn hẹp, ngân sách Trung ương cấp chưa đáp ứng được nhu cầu nên kết quả chưa đạt tiến độ đề ra; nhiều hộ gia đình không có kinh phí đối ứng trong quá trình làm nhà. Việc lồng ghép vốn, quy trình, cách thức thực hiện từ nhiều chương trình hỗ trợ nhà ở dẫn đến khó khăn, lúng túng nhất định trong thực hiện tại một số địa phương. Công tác rà soát đối tượng, xác định nhu cầu hỗ trợ tại một số xã thiếu chính xác, phải điều chỉnh, phê duyệt nhiều lần hoặc bỏ sót đối tượng hỗ trợ.... Các hộ dân xây dựng trên nền đất mới chưa có Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất ở, vướng đất rừng, nhiều hộ đã hoàn thành nhà ở nhưng chưa có kinh phí hỗ trợ đủ hoặc chưa được hỗ trợ...Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ cho các hộ đã được hỗ trợ từ CT134 và một số chương trình khác vì nhà ở hiện nay đã xuống cấp...
Tại buổi làm việc, các đại biểu làm rõ nguyên nhân khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, tập trung các vấn đề: Nhu cầu hỗ trợ về nhà ở lớn nhưng ngân sách địa phương, nguồn huy động xã hội hóa còn hạn hẹp, ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình MTQG cấp cho tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu nên kết quả thực hiện hỗ trợ XNT, NDN trên địa bàn chưa đạt được tiến độ đề ra; nhiều hộ gia đình xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng, khi chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển nhượng, cho tặng gặp vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung; nhiều hộ gia đình đã hỗ trợ theo các chương trình, chính sách khác từ 10 năm trở lên, số tiền hỗ trợ không lớn (5 - 6 triệu đồng), hiện nay, các hộ này vẫn thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn, hiện trạng nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ và có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ về nhà ở để đảm bảo ổn định cuộc sống…
Các Sở kiến nghị: Đối với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Ủy ban Dân tộc: Tiếp tục quan tâm, sớm bố trí bổ sung vốn ngân sách Trung ương cho tỉnh; báo cáo Chính phủ cho phép tỉnh được điều chỉnh nguồn vốn từ các dự án khác sang dự án hỗ trợ nhà ở trong các Chương trình MTQG để triển khai hỗ trợ các hộ gia đình XNT, NDN trong thời gian sớm nhất. Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các trường hợp đã được hỗ trợ từ các chương trình, chính sách khác về nhà ở từ lâu hiện đã hư hỏng, xuống cấp cần được hỗ trợ; các hộ đã xây dựng xong, được nghiệm thu nhưng đến thời điểm cấp kinh phí thực hiện vào năm tiếp theo đã thoát nghèo, không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ về nhà ở thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục huy động các nguồn lực, vận động các cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, tiếp tục quan tâm ủng hộ XNT, NDN cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách trên địa bàn tỉnh…
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nông Hải Lưu đề nghị, các đơn vị chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình; chủ động nắm chắc tình hình các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, phân loại thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiện. Các cấp, ngành tích cực huy động, đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện chương trình, chú trọng lồng ghép nguồn lực thực hiện từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án của Trung ương, của tỉnh và huy động các nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; vận động sự tham gia trực tiếp của lực lượng vũ trang, các đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hộ gia đình được thụ hưởng; đồng thời, phải quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí huy động được.
Tác giả: Tuyết Nhung
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn