Thảo luận tại tổ về dự án Luật Dược và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Thứ tư - 19/06/2024 03:12
Chiều 18/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, đầu giờ, Quốc hội làm việc phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ đối với 2 dự án luật trên.Tại tổ 16 gồm 4 tỉnh Cao Bằng, Lâm Đồng, Cà Mau, Hà Tĩnh do đồng chí Trần Hồng Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng chủ trì phiên thảo luận tổ.
Đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng điều hành thảo luận tổ.
Đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng điều hành thảo luận tổ.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Trần Hồng Minh đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải có các quy định rõ ràng, cụ thể đối với việc cấp phép, xây dựng các công trình di sản, cần nghiên cứu trong luật và có nghị định và thông tư hướng dẫn cụ thể để cho các địa phương triển khai các nhiệm vụ tốt hơn. Đại biểu đề nghị dự án Luật cần nghiên cứu bổ sung việc quy định các hủ tục văn hoá của dân tộc thiểu số (tập quán sinh sống trên những đỉnh núi cao của người dân tộc H’Mông, Nuôi nhốt trâu, bò dưới gần sàn nhà…) cần được xoá bỏ. Đồng thời đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu việc mua bán, quán lý các sản phẩm di sản của các cá nhân và hộ gia đình…

Đại biểu Đoàn Thị Lê An cho ý kiến, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét giải thích làm rõ thêm các từ ngữ như: Di sản địa chất, số hóa di sản, di sản số… Đồng thời xem xét quy định thêm việc quản lý, bảo vệ phát huy đối với các di sản trên, đặc biệt là di sản địa chất (tại Điều 3, Chương I ); xem xét làm rõ hơn các hình thức sở hữu: thế nào là sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng ( tại Điều 4, Chương I (Sở hữu di sản văn hóa); Góp ý tại Điều 9, Chương II (Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể): dự thảo Luật đã phân thành 6 loại hình so với 7 loại hình như trước đây (gộp ngữ văn dân gian và tiếng nói, chữ viết thành Các biểu đạt và truyền khẩu truyền thống). Tuy nhiên, trong dự thảo Luật một số điều khoản, đặc biệt là tại khoản 3 Điều 7 và Điều 18 vẫn sử dụng cụm từ “tiếng nói chữ viết” (đây chỉ là một hình thức trong nhiều hình thức của Các biểu đạt và truyền khẩu truyền thống). Do vậy, Đại biểu đề nghị điều chỉnh để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong toàn bộ dự thảo.

Tương tự như vậy đối với các loại hình khác cũng cần xem xét rà soát thêm;
tại khoản 6, Điều 25, Chương III. Khu vực di sản thế giới, vùng đệm của khu vực di sản thế giới: đề nghị điều chỉnh, bổ sung: “6. Khu vực di sản thế giới (vùng lõi), vùng đệm và vùng chuyển tiếp (nếu có) của khu vực di sản thế giới và bổ sung thêm điểm c) Vùng chuyển tiếp (nếu có) theo Quy định của Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm các khu vực nằm liên kết với khu vực bảo vệ II, nơi diễn ra các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cần được kiểm soát để phù hợp, hài hòa với mục tiêu bảo vệ, bảo tồn của việc xác lập, công nhận di sản thiên nhiên. Lý do điều chỉnh, bổ sung: đối với di sản thiên nhiên được xác định ranh giới và khoanh vùng gồm: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp (nếu có) (Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường);

Tại Điều 30, Mục I, Chương III (đưa thêm, di dời, thay đổi, thống kê hiện vật trong di tích): đại biểu đề nghị bổ sung thẩm quyền đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích đối với di tích đã nằm trong danh mục kiểm kê được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để đảm bảo đồng bộ và phù hợp với quy định tại Điều 22 của Luật này; tại Điều 31, Mục I, Chương III (Người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích): nội dung này hiện nay trong dự thảo còn nêu chung chung, chưa cụ thể, do vậy cần bổ sung, quy định rõ hơn để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định của ngành, lĩnh vực liên quan khác. Cụ thể như đối với di tích là cơ sở tín ngưỡng khoản 4, Điều 11, Chương II Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định “Việc bầu, cử người đại diện hoặc thành lập ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa”. Mặt khác đối với các các loại hình khác như: di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng, di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo (của tổ chức tôn giáo, không phải của tổ chức tôn giáo), di tích đồng thời là điểm du lịch, di tích đồng thời là khu vực/điểm cao do cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng quản lý, liên quan đến khu vực phòng thủ quân sự thì việc quy định chi tiết các vấn đề liên quan đến người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích cần quy định rõ hơn thông qua việc quy định cụ thể các mô hình quản lý, việc cử người đại diện hoặc thành lập ban quản lý di tích tương thích với quy mô, cấp độ di tích xếp hạng (di sản thế giới của UNESCO, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh); địa bàn phân bố di tích (liên tỉnh, liên huyện, liên xã, liên thôn) và tình hình thực tế khác ở địa phương. Trường hợp chưa quy định cụ thể trong Luật cần bổ sung thêm một điều khoản giao cơ quan đơn vị liên quan quy định chi tiết thêm nội dung này.

Tại khoản 2, khoản 3, Điều 68, Chương V (Tiêu chuẩn xếp hạng Bảo tàng): đối với lượng khách tham quan như trong dự thảo là quá cao và không phù hợp với tình hình thực tế. Đại biểu đề nghị xem xét giảm số lượng khách tham quan của Bảo tàng hạng 3 và hạng 2 xuống cho phù hợp với thực tế của các Bảo tàng địa phương hoặc phân tách từng khu vực, vùng miền cho phù hợp. Bởi so với các vùng miền khác, các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng còn khó khăn, việc thu hút khách tham quan còn hạn chế. Đề xuất bổ sung vào Khoản 8. Bộ Tài nguyên và Môi trường thêm điểm d) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các danh lam thắng cảnh có danh hiệu di sản thiên nhiên.


Bên cạnh đó, đại biểu còn tham gia ý kiến đối với nội dung Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với di sản văn hóa (Điều 5); Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8); Danh sách, hình thức và tiêu chí ghi danh, ghi danh bổ sung di sản văn hóa phi vật thể (Điều 11); Tiêu chí nhận diện di tích theo loại hình (Điều 21); Trình tự, thủ tục, hồ sơ xếp hạng di tích (Điều 24); Khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích (Điều 25); Dự án đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích (Điều 27).

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, các dự án luật này sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV./.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Thúy ( Phòng CTQH)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay4,923
  • Tháng hiện tại134,811
  • Tổng lượt truy cập9,006,027
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây